Theo ông Nguyễn Đình Anh – Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng, Bộ Y tế, việc ban hành thông điệp phòng, chống dịch COVID-19 là 2K+ nhằm phù hợp với tình hình hiện nay.
Thông điệp 5K được Bộ Y tế được đưa ra từ tháng 8/2020 khi dịch COVID-19 đang bùng phát, với các biện pháp phòng, chống dịch (Khẩu trang, Khử khuẩn, Khoảng cách, Không tụ tập, Khai báo y tế). Thông điệp 5K là một trong những giải pháp truyền thông hữu hiệu giúp người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân và đẩy lùi dịch COVID-19.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, toàn hệ thống chính trị và người dân đã đoàn kết, chung lòng khống chế thành công đại dịch COVID-19, đưa đất nước bước vào giai đoạn mới “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".
Hiện nay, theo Tổ chức Y tế thế giới nhận định: dịch COVID-19 chưa thể chấm dứt hoàn toàn trước năm 2023, có thể xuất hiện các biến chủng virus mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp khó lường.
Thời gian gần đây, Việt Nam vẫn ghi nhận trung bình hơn 2.000 ca mắc mới mỗi ngày. Nhiều địa phương đã ghi nhận số ca mắc các biến thể phụ mới của Omicron lây nhanh hơn biến chủng gốc. Các biến thể phụ mới xuất hiện đang được cơ quan chức năng theo dõi, đánh giá và phối hợp với các tổ chức quốc tế kiểm soát hiệu quả, thường xuyên đánh giá nguy cơ.
“Do đó, để thực hiện được mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, vừa triển khai các giải pháp phục hồi phát triển kinh tế - xã hội thực hiện Nghị quyết 38/NQ-CP ngày 17/3/2022, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã phê duyệt thông điệp phòng, chống dịch trong tình hình mới giúp các cấp ngành, địa phương và người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 hữu hiệu, giúp kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh và phát triển kinh tế, xã hội” ông Nguyễn Đình Anh cho biết.
Hiện, Việt Nam đã triển khai tiêm được hơn 258 triệu liều vaccine phòng COVID-19 và là một trong số những quốc gia có số liều vaccine sử dụng và tỷ lệ bao phủ vaccine cao trên thế giới). Vì vậy, các biện pháp phòng, chống dịch cũng cần được điều chỉnh để phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh, nhằm tạo điều kiện phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, từng bước ổn định đời sống nhân dân nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Khi chuyển sang trạng thái thích ứng, an toàn, linh hoạt, tập trung phát triển kinh tế xã hội đòi hỏi phải điều chỉnh các biện pháp cho phù hợp, linh hoạt, do vậy, các biện pháp khoảng cách, không tụ tập và khai báo y tế toàn dân tại thời điểm này không còn phù hợp.
Ngày 26/4/2022, Bộ Y tế thông báo tạm dừng khai báo y tế tại cửa khẩu Việt Nam đối với người nhập cảnh, ngày 29/4/2022 tạm dừng khai báo y tế nội địa. Hiện nay, các hoạt động tập trung đông người đã được phép diễn ra trên phạm vi cả nước.
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường, luôn có nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới. Vaccine vẫn là biện pháp hữu hiệu nhất để kiểm soát dịch COVID-19.
Mùa đông sắp đến, nguy cơ các bệnh đường hô hấp bùng phát, trong đó có dịch COVID-19, nhằm ứng phó với dịch bệnh trong tình hình mới, Bộ Y tế đã triển khai chiến dịch truyền thông “Vì một Việt Nam vững vàng và khỏe mạnh” với Thông điệp 2K + vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác cùng với 3 trụ cột (xét nghiệm, cách ly, điều trị) nhằm bảo vệ sức khoẻ của người dân. Trong trường hợp xuất hiện biến chúng mới của virus SARS-CoV-2 nguy hiểm, dịch lây lan mạnh trên diện rộng, vượt qua khả năng đáp ứng của ngành y tế vẫn tiếp tục sử dụng Thông điệp 5K và các biện pháp khác như: vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân.