Tại Việt Nam, tình trạng viêm gan vi rút B và C là vấn đề y tế công cộng. Việt Nam đang là một trong những nước có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B và viêm gan C cao. Mặc dù, căn bệnh diễn ra âm thầm nhưng để lại hậu quả nặng nề, tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng như xơ gan, ung thư gan và gây tử vong.
Kẻ giết người thầm lặng
Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Đa khoa Đống Đa (Hà Nội) đang quản lý điều trị hơn 700 bệnh nhân viêm gan vi rút B – C. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN |
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Viêm gan vi rút là một trong những bệnh được mệnh danh là "kẻ giết người thầm lặng", gây ra cái chết của hàng triệu người trên thế giới. Hiện nay, có khoảng 325 triệu người (tương đương 4% dân số thế giới) đang bị nhiễm vi rút viêm gan B và C; ước tính có khoảng 57 % trường hợp tiến triển thành xơ gan và 78% các trường hợp ung thư gan tiên phát do nhiễm vi rút viêm gan B và C. Mỗi năm có khoảng 1,34 triệu người tử vong do viêm gan B và C, tương đương với số tử vong do bệnh lao và sốt rét, nhiều hơn số ca tử vong do HIV/AIDS.
Tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm viêm gan B khoảng 6%, có vùng lên đến 20%; ở vùng sâu, vùng xa có tỷ lệ mắc cao hơn do điều kiện chăm sóc y tế chưa thuận lợi. Viêm gan C có tỷ lệ mắc từ 0,4% đến 4%. Nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh là nhóm tiêm chích ma túy và nhóm quan hệ tình dục đồng giới.
Vi rút viêm gan B và C là nguyên nhân gây ung thư gan hàng đầu. Theo kết quả điều tra gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2013, viêm gan vi rút là nguyên nhân đứng hàng thứ 7 trong số các nguyên nhân gây ra tử vong cao nhất. Mặc dù gánh nặng bệnh tật do viêm gan vi rút là rất lớn nhưng có tới khoảng 90% người mang vi rút viêm gan B và khoảng 80% những người bị nhiễm vi rút viêm gan C không biết mình bị nhiễm nên số trường hợp được tiếp cận điều trị rất thấp.
Tỷ lệ tiêm phòng vắc xin thấp
Tuyên truyền, tư vấn, khám sàng lọc và tiêm vắc xin viêm gan B phòng bệnh cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu sau sinh tại Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa). Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN |
Theo thống kê của Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, tại Việt Nam, tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu để phòng bệnh thấp (năm 2016 chỉ đạt 68%) và không đồng đều ở các địa phương. Nguyên nhân của thực trạng này là do phản ứng sau tiêm chủng khiến cán bộ y tế e ngại, chống chỉ định hoặc hoãn tiêm. Đồng thời, các bà mẹ cũng trì hoãn, từ chối tiêm do sợ phản ứng sau tiêm. Bên cạnh đó, một số bệnh viện chưa nỗ lực triển khai tiêm vắc xin viêm gan sơ sinh.
Đặc biệt, tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh hiện chủ yếu chỉ được thực hiện tại các bệnh viện; còn các trạm y tế chưa triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh do không có tủ lạnh bảo quản, không có sẵn vắc xin. Trẻ sinh tại nhà ở vùng miền núi, vùng khó khăn không có cơ hội tiêm chủng vắc xin viêm gan B sơ sinh ngay tại nhà.
Tiến sỹ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: Bình quân mỗi tháng, khoa Viêm gan của bệnh viện phải tiếp nhận từ 200- 250 bệnh nhân nằm điều trị; khoa cấp cứu khoảng 20- 25 bệnh nhân là các trường hợp mức độ nặng phải can thiệp hồi sức tích cực như suy gan cấp, xơ gan…
Khoa khám bệnh tiếp nhận khoảng hơn 7.000 người/năm đối với bệnh nhân viêm gan vi rút B và khoa Nhi cũng tiếp nhận 100 trẻ/năm. Con đường lây truyền chủ yếu của viêm gan B là truyền dọc từ mẹ sang con. Theo kết quả khảo sát các trẻ đến khám tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, 65% trẻ em mắc bệnh là từ mẹ có vi rút viêm gan B.
Dự phòng hiệu quả bằng vắc xin
Bộ Y tế khuyến cáo hãy cho trẻ tiêm vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu sau sinh để dự phòng bệnh. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN |
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, thời gian qua, ngành y tế đã triển khai rất quyết liệt nhiều biện pháp về tiêm chủng, đảm bảo phổ cập về tiêm chủng tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và hiện có 17.000 điểm chủng trên cả nước; đồng thời, tăng cường quản lý, cung ứng đủ vắc xin bảo đảm chất lượng, đặc biệt là vắc xin viêm gan B đã tự sản xuất để đáp ứng đủ nhu cầu của Chương trình tiêm chủng mở rộng. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng vẫn thấp, nhất là vắc xin viêm gan B sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu.
Qua các nghiên cứu đánh giá thời gian qua cho thấy, tiêm vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu có thể dự phòng được khoảng 90% số trẻ sinh ra không bị viêm gan B. Nếu tiêm càng chậm thì hiệu quả phòng bệnh càng giảm. Nếu tiêm trong vòng 7 ngày thì hiệu quả phòng bệnh chỉ được khoảng 50%. Chính vì vậy, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ các gia đình hãy cho trẻ tiêm vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu sau sinh để dự phòng bệnh.
Đây là biện pháp dự phòng tốt nhất vì viêm gan B chưa có phương thức điều trị hiệu quả. Đối với viêm gan C hiện chưa có vắc xin phòng bệnh nhưng cách dự phòng hiệu quả nhất như dự phòng đối với vi rút HIV (như: qua quan hệ tình dục, qua đường máu, qua tiêm chích ma túy). Tuy nhiên, viêm gan C có thuốc điều trị và hiệu quả điều trị khá cao với giá thành đã thấp hơn trước.
Tiến sỹ Đinh Quý Lan, Chủ tịch Hội Gan Mật Việt Nam nêu rõ: Thời gian qua, Thế giới và Việt Nam đã tích cực ngăn chặn đại dịch này, song viêm gan vi rút B và C vẫn tiếp tục gây tác hại đến sức khỏe và đời sống của con người. Vì vậy kỷ niệm Ngày Viêm gan Thế giới (28/7) năm nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo mọi người dân chú ý chống lại các nguy cơ lây nhiễm bệnh viêm gan, trong đó có nguy cơ truyền máu không an toàn, tiêm chích không an toàn nhất là đối với những người nghiện ma túy, những người sống chung với những người viêm gan, những người có quan hệ tình dục không an toàn.
Tại các quốc gia, tất cả các dịch vụ y tế phải đảm bảo sử dụng thiết bị vô trùng trong phục vụ người bệnh; kiểm soát chặt chẽ các hoạt động hiến máu và truyền máu, đặc biệt trong các cơ sở lọc máu cho các bệnh nhân suy thận.
Những bà mẹ mang thai bị nhiễm vi rút viêm gan B hoặc bị viêm gan B mạn tính cần được sinh con ở những cơ sở y tế có đủ diều kiện tiêm dự phòng cho các cháu trong khoảng 24 giờ sau sinh và cần tiêm đủ 3 mũi cơ bản.
Các quốc gia phải tiến hành thường xuyên tiêm phòng viêm gan B cho các trẻ sơ sinh, đồng thời tiêm phòng cho những người trưởng thành có nguy cơ cao mắc bệnh viêm gan B; tổ chức phát hiện những nguồn lây bệnh rải rác trong cộng đồng bằng cách vận động những người chưa xét nghiệm đến cơ sở y tế để xét nghiệm tìm vi rút; tiến hành sàng lọc đối với những người nhiễm vi rút để phát hiện những người đã bị viêm gan, xơ gan hoặc ung thư gan từ đó lập kế hoạch chăm sóc và điều trị để giảm tỷ lệ tử vong…