Thuốc giả, thực phẩm chức năng giả gia tăng với thủ đoạn tinh vi, hệ lụy nguy hiểm

Vấn nạn thuốc giả, thuốc kém chất lượng ngày càng diễn biến phức tạp đã trở thành một hiểm họa trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng. Người bệnh không chỉ đứng trước nguy cơ tử vong hay biến chứng nặng nề do sử dụng phải thuốc giả mà còn gánh chịu thiệt hại kinh tế lớn.

Thuốc giả nhưng hệ luỵ thật

Tại hội thảo chuyên đề với chủ đề “Thuốc giả - hệ luỵ thật: Giải pháp nào ngăn chặn” do Báo Tiền Phong phối hợp với Cục Quản lý dược,Viện Kiểm nghiệm thuốc TP Hồ Chí Minh và Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 26/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã nhấn mạnh: "Thuốc là mặt hàng đặc biệt, liên quan trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe con người. Bất kỳ hành vi sản xuất, buôn bán, lưu hành thuốc giả nào, dù chỉ là một viên thuốc cũng là hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật, vi phạm đạo đức xã hội, cần bị lên án và xử lý nghiêm".

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Y tế Đô Xuân Tuyên khẳng định việc sản xuất, kinh doanh thuốc giả là tội ác.

Hệ lụy do thuốc giả gây ra rất nghiêm trọng, không chỉ đe dọa sức khỏe người bệnh mà còn làm mất niềm tin vào hệ thống y tế, làm suy yếu ngành công nghiệp dược, ảnh hưởng đến sự tồn vong của các doanh nghiệp chân chính. Đó là chưa kể đến hậu quả pháp lý, đạo đức và niềm tin xã hội.

Chia sẻ về những hệ lụy khi người bệnh sử dụng phải thuốc giả, Tiến sĩ, dược sĩ Nguyễn Quốc Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy nhấn mạnh: Ba nguy hại lớn nhất khi dùng thuốc giả, thuốc kém chất lượng đó là bỏ phí mất "thời gian vàng" để điều trị bệnh; nguy cơ đưa thêm chất lạ, chất độc hại vào cơ thể, làm tăng tương tác thuốc, làm cho các cơ quan thải độc của cơ thể (gan, thận…) phải tăng "công suất" và tăng chi phí điều trị do bệnh tình không được cải thiện hoặc trở nên trầm trọng hơn.

Còn tiến sĩ Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) khẳng định, thuốc giả không chỉ gây thiệt hại kinh tế mà còn đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ gia tăng thuốc giả từ bên ngoài xâm nhập, rồi lan rộng qua các kênh trực tuyến, đặc biệt là mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.

Chú thích ảnh
Số lượng mẫu thuốc giả được phát hiện qua kiểm nghiệm có xu hướng tăng nhanh.

Theo ThS. Nguyễn Thị Trúc Vân, Phó Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Viện Kiểm nghiệm thuốc TP Hồ Chí Minh, số lượng mẫu thuốc giả được phát hiện qua kiểm nghiệm có xu hướng tăng nhanh chóng trong 3 năm gần đây. Cụ thể, nếu năm 2022 chỉ phát hiện 5 mẫu thuốc giả thì năm 2023 con số này đã tăng lên 12 mẫu. Đặc biệt, chỉ tính riêng năm 2024, số mẫu thuốc giả đã tăng vọt lên 40 mẫu, trong đó có tới 25 mẫu thuốc hóa dược không chứa dược chất và 15 mẫu thuốc từ dược liệu bị pha trộn tân dược.

Bên cạnh đó, Viện cũng ghi nhận nhiều trường hợp thuốc không đạt chuẩn chất lượng, tức không đáp ứng tiêu chuẩn đã đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước. Đáng chú ý, phần lớn những thuốc không đạt chuẩn này là dược liệu và vị thuốc cổ truyền. Nguồn cung cấp mẫu kiểm nghiệm rất đa dạng, đến từ nhiều kênh như cơ quan Công an, trung tâm kiểm nghiệm tuyến tỉnh, bệnh viện và cả người dân.

Cần cả hệ thống chính trị vào cuộc 

Theo ông Tạ Mạnh Hùng, các đối tượng làm giả thuốc ngày càng tinh vi, có thể sản xuất chui mà không cần nhà xưởng cố định, chia nhỏ quy trình để tránh bị phát hiện và dùng mạng xã hội làm kênh tiêu thụ. Trong khi đó, một bộ phận nhà thuốc bán lẻ chưa tuân thủ nghiêm ngặt quy định, bán thuốc không hóa đơn, không truy xuất được nguồn gốc, tạo điều kiện cho thuốc giả thâm nhập hệ thống chính thống.

Chú thích ảnh
Các chuyên gia thảo luận để đưa ra các giải pháp ngăn chặn hành vi kinh doanh, sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng giả.

Ngoài ra, hệ thống kiểm nghiệm thuốc tại Việt Nam với 3 Viện trung ương và 62 trung tâm cấp tỉnh vẫn đang thiếu trang thiết bị hiện đại để kiểm tra nhanh tại chỗ, chưa đồng bộ về năng lực; một số quy định về xử lý vi phạm hành chính còn nhẹ tay, chưa đủ sức răn đe, đặc biệt với thuốc không rõ nguồn gốc có giá trị nhỏ hoặc chưa đủ điều kiện để xử lý hình sự.

Nhìn nhận thực tế về những khó khăn trong công tác kiểm nghiệm thuốc, bà Nguyễn Thị Trúc Vân cho biết, mặc dù Viện đã chủ động cập nhật các cảnh báo quốc tế, phát triển phương pháp kiểm nghiệm mới và phối hợp với các đoàn kiểm tra liên ngành, song công tác lấy mẫu phục vụ kiểm nghiệm vẫn gặp nhiều trở ngại. Bên cạnh đó, nhân sự của Viện không có quyền kiểm tra như thanh tra chuyên ngành, dẫn đến nhiều cơ sở từ chối hợp tác lấy mẫu bằng các lý do như: vắng người có thẩm quyền, không thể xuất hóa đơn, không ký biên bản…

Ngoài ra, việc lấy mẫu trên nền tảng thương mại điện tử cũng gặp vướng mắc do chưa có quy định và hướng dẫn rõ ràng; chi phí mua mẫu từ ngân sách nhà nước cũng trở ngại do các quy định chặt chẽ về hóa đơn, chuyển khoản và đấu thầu. Đặc biệt, chất chuẩn dùng trong kiểm nghiệm, nhất là với thuốc thuộc danh mục kiểm soát đặc biệt hoặc thuốc biệt dược gốc thường không có sẵn, giá cao và thiếu nhà cung cấp đáng tin cậy. “Chỉ riêng một đợt kiểm mẫu dược phẩm HIV, chi phí chất chuẩn lên tới gần 500 triệu đồng", bà Vân dẫn chứng.

Từ những thực tế trên, đại diện Viện Kiểm nghiệm thuốc TP Hồ Chí Minh kiến nghị cần cơ chế giải quyết khó khăn trong công tác lấy mẫu. Có như vậy, công cụ quản lý và giám sát dược phẩm giả trên thị trường sẽ có hiệu quả đáng kể.

Theo ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chi Cục trưởng Chi Cục quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh, các đối tượng đã sử dụng những thủ đoạn tinh vi hơn để qua mắt cơ quan chức năng và người tiêu dùng. Một thủ đoạn mới và đặc biệt nguy hiểm đó là trộn lẫn thuốc thật với thuốc giả trước khi bán ra thị trường nhằm đánh lừa cơ quan chức năng trong quá trình kiểm tra ngẫu nhiên và xây dựng lòng tin ban đầu nơi người tiêu dùng. Các đối tượng thậm chí còn tự đặt tên thuốc và tên công ty sản xuất, phần lớn có trụ sở ảo ở nước ngoài, sau đó quảng cáo là "hàng xách tay" thông qua mạng xã hội dưới vỏ bọc là nhân viên, dược sĩ của các công ty dược.

Bên cạnh đó, tình trạng cố ý ghi không đúng tên gọi trên nhãn hàng hóa cũng gây nhầm lẫn nghiêm trọng cho người tiêu dùng. Nhiều sản phẩm được quảng cáo là "sữa" hoặc "thuốc" nhưng thực chất tên gọi theo công bố và ghi nhãn sản phẩm lại là "thực phẩm bảo vệ sức khỏe", "thực phẩm bổ sung" hay "sản phẩm dinh dưỡng công thức", hay phương thức "hàng xách tay" được lợi dụng để hợp thức hóa các loại thuốc, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, chất lượng.

Trước thực trạng trên, ông Tạ Mạnh Hùng đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp ngăn chặn thuốc giả như: hoàn thiện pháp luật, tăng mức phạt và bổ sung các quy định kiểm soát bán thuốc online, công khai thông tin đơn vị phân phối và áp dụng truy xuất nguồn gốc bằng mã QR; siết chặt thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dược, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là kinh doanh trên mạng xã hội; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ như blockchain, cơ sở dữ liệu ngành dược đồng bộ toàn quốc và phần mềm theo dõi đơn thuốc, bệnh án điện tử. Ngoài ra, Bộ Y tế sẽ tăng cường đầu tư cho hệ thống kiểm nghiệm, truyền thông cảnh báo cộng đồng và phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành, chính quyền địa phương và doanh nghiệp chân chính.

"Cuộc chiến chống thuốc giả là nhiệm vụ khó khăn và lâu dài. Cần cả hệ thống chính trị vào cuộc, cùng với sự tỉnh táo và hợp tác của người dân", ông Tạ Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, hiện nay, mức xử phạt cho hành vi sản xuất, kinh doanh thuốc, thực phẩm chức năng giả chưa đủ sức răn đe. Bộ Y tế đã báo cáo Thủ tướng và được đồng ý cho phép nâng mức xử phạt hành chính, xử lý hình sự.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng dẫn chứng việc tăng mức xử phạt giao thông đã nâng cao mức nhận thức của người dân, các ca cấp cứu do tai nạn giao thông đã giảm mạnh vì mức xử phạt cao. Do đó, nếu tăng mức xử phạt hành chính, xử phạt hình sự với thuốc giả, thực phẩm chức năng giả thì vấn nạn này sẽ giảm mạnh đi.

“Quan điểm của Bộ Y tế về vấn đề thuốc giả rõ ràng và nhất quán, phải đấu tranh quyết liệt, xử lý nghiêm khắc, không có vùng cấm, không có ngoại lệ; phải xử lý hành vi bao che, tiếp tay, thiếu trách nhiệm trong quản lý, để thuốc giả tồn tại và len lỏi vào hệ thống phân phối thuốc", Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, chính quyền cơ sở cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; đồng thời tăng cường kiểm tra đột xuất đối với các doanh nghiệp có sản phẩm nghi ngờ là giả. Nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin, năng lực hệ thống kiểm nghiệm để phát hiện thuốc giả.

Còn về trách nhiệm của doanh nghiệp, ông Đỗ Xuân Tuyên khẳng định, doanh nghiệp dược phải ý thức, tự chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình trước người tiêu dùng, tăng cường các biện pháp bảo vệ trước vấn nạn hàng gian, hàng giả. Hiện Bộ Y tế cho phép doanh nghiệp được tự công bố hồ sơ. Tuy nhiên, trong 7 ngày Bộ Y tế sẽ rà soát và nếu không đạt yêu cầu, sẽ cho thu hồi.

Theo thống kê của Chi Cục quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh, chỉ riêng trong giai đoạn 2024 và 5 tháng đầu năm 2025, Chi cục đã phát hiện và xử lý hàng trăm vụ việc liên quan đến dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.

Cụ thể, Chi cục đã xử lý 178 vụ vi phạm thuốc tân dược, tạm giữ hơn 262.000 đơn vị sản phẩm với tổng trị giá hơn 15,4 tỷ đồng, phạt hơn 2,2 tỷ đồng và chuyển cơ quan điều tra 4 vụ có dấu hiệu tội phạm. Đối với thực phẩm chức năng, lực lượng chức năng phát hiện 38 vụ vi phạm, thu giữ gần 19.000 sản phẩm, tổng trị giá hơn 835 triệu đồng.

Các hành vi vi phạm phổ biến là kinh doanh hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, niêm yết giá không đúng quy định, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu...
Bài và ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức và Dân tộc
Ngăn chặn vấn nạn thuốc giả: Cần tăng mức hình phạt để răn đe
Ngăn chặn vấn nạn thuốc giả: Cần tăng mức hình phạt để răn đe

“Dù Việt Nam đã xây dựng hệ thống quản lý dược tương đối đầy đủ từ tiền kiểm đến hậu kiểm, song, công tác phòng, chống thuốc giả vẫn còn nhiều lỗ hổng. Hệ lụy do thuốc giả gây ra là rất nghiêm trọng, không chỉ đe dọa sức khỏe người bệnh mà còn làm mất niềm tin vào hệ thống y tế, làm suy yếu ngành công nghiệp dược, vì thế cần có chế tài xử phạt nghiêm khắc, mang tính răn đe”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN