Ngày 11/5, đơn vị đã sử dụng hết 40 liều vắc-xin phòng bệnh dại cuối cùng. Dự kiến, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thừa Thiên - Huế sẽ tiếp tục mua nợ 200-250 liều vắc-xin phòng bệnh dại.
Là một đơn vị sự nghiệp công lập, việc mua sắm các loại vắc-xin dịch vụ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên - Huế phải tuân thủ theo quy định của Luật Đấu thầu 2013. Tuy nhiên, từ năm 2019 đơn vị đã 2 lần ra thông báo mời thầu cung ứng vắc-xin phòng bệnh dại cho năm 2020 nhưng vẫn không kêu gọi được nhà thầu nào.
Theo Bác sĩ chuyên khoa I Hoàng Văn Đức, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên - Huế, hầu hết các nhà cung ứng vắc-xin phòng bệnh dại đều không mặn mà với việc đấu thầu vì thủ tục rắc rối và tốn nhiều thời gian hơn so với việc cung ứng cho các đơn vị tiêm chủng ngoài công lập. Bên cạnh đó, giá vắc-xin kế hoạch trong hợp đồng đấu thầu không “chạy kịp” sự biến động của thị trường trong cùng một năm. Đồng thời, việc ràng buộc nhà thầu đảm bảo tiến độ cung ứng theo hợp đồng là rất khó trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu.
Để khắc phục tình trạng này, từ tháng 4/2020, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có văn bản gửi Sở Y tế tỉnh trình UBND tỉnh xin điều chỉnh, lựa chọn hình thức đấu thầu đơn giản nhất là chỉ định thầu để sớm tìm được nhà thầu cung ứng vắc-xin phòng bệnh dại. Tuy nhiên, các cấp, ban, ngành tỉnh Thừa Thiên - Huế đang tập trung cho việc phòng, chống dịch COVID-19 nên vẫn chưa có hướng dẫn, quyết định cụ thể để giải quyết tình trạng này.
Theo đánh giá từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh dại thường tăng cao vào mùa nắng nóng từ tháng 5-8 hàng năm ở mọi lứa tuổi. Những trường hợp không kịp thời tiêm vắc-xin phòng bệnh dại sau khi bị động vật cắn hoặc cào sẽ có tỷ lệ tử vong rất cao.
Hiện nay, ở Việt Nam có hai loại vắc-xin phòng bệnh dại được cấp giấy đăng ký lưu hành là vắc-xin Verorab của Công ty Sanofi Pasteur (Pháp) và vắc-xin Abhayrab do Công ty Human Biologigical Institute (Ấn Độ) sản xuất.