Thưa ông, Việt Nam đang trong đợt dịch mới với những diễn biến khá phức tạp. Ông có thể chia sẻ về chiến lược phòng chống dịch COVID-19 trong giai đoạn hiện nay?
Thời điểm hiện tại, dịch đã xuất hiện ở nhiều địa phương, trong đó tập trung vào một số ổ dịch, khu công nghiệp, nhất là tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh. Với những kinh nghiệm đã có trong hơn một năm qua, toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân vẫn đang đồng lòng, dốc sức. Chiến lược 5 bước trong phòng chống dịch COVID-19 gồm “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị” tiếp tục được triển khai nhất quán.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh có sự thay đổi, chủng virus mới lây lan rất nhanh, diễn biến dịch bệnh phức tạp, khó lường, khiến một số kinh nghiệm đã có trước đây cần phải điều chỉnh cho phù hợp trước tình hình mới. Do đó, cách tiếp cận, phòng chống dịch liên tục được chúng tôi cập nhật cho phù hợp với diễn biến, trên cơ sở kế thừa, tổng kết, nhân rộng các kinh nghiệm quý, bài học hay, các cách làm có hiệu quả của các đợt dịch trước và của thế giới.
Với đợt dịch này, việc kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa phòng ngự và tấn công, trong đó tấn công là chính, vẫn là giải pháp chiến lược, gồm thực hiện tốt nguyên tắc 5K và kết hợp giải pháp vắc xin. Xác định phòng dịch vẫn là yếu tố cơ bản có tính chất quyết định. Hiện các nguồn lực của Nhà nước và nhân dân đang được huy động cho công tác xét nghiệm, bên cạnh đó phải thực hiện chiến lược vắc xin, tiếp cận mua bằng được vắc xin, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất, phải phấn đấu để chủ động, tổ chức tiêm chủng cho hiệu quả, giải thích rõ khi có sự cố và phòng ngừa sự cố.
Theo đánh giá của ông, yếu tố nào đóng vai trò đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong công tác phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh?
Công tác phát hiện, truy vết và xét nghiệm, sàng lọc được đánh giá là mấu chốt trong việc kiểm soát dịch. Đây là cơ sở để chúng ta phát hiện, xử lý và kịp thời ngăn chặn nguồn lây nhiễm. Việc tổ chức xét nghiệm sàng lọc nhanh sẽ có ý nghĩa then chốt trong việc phòng dịch, cũng như giảm thiểu những tổn thất về người và của cho toàn xã hội.
Thực tế thời gian qua, một số địa phương đã từng đối phó với dịch như Hà Nội, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc phản ứng rất nhanh và thực hiện tốt công tác này, có những cải tiến hiệu quả, đóng góp thiết thực vào công tác phòng chống dịch, tiêu biểu như Đà Nẵng. Trong khi đó, một số nơi chưa có kinh nghiệm ứng phó với dịch, đặc biệt là kinh nghiệm chuẩn bị kịch bản và các phương án xét nghiệm, chưa chuẩn bị đầy đủ “4 tại chỗ” gồm chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cầu tại chỗ nên khi dịch bệnh xảy ra ở diện rộng với số lượng ca mắc lớn còn gặp lúng túng, thiếu vật tư, sinh phẩm, nhân lực… Chúng ta phải nâng được công suất xét nghiệm lên trong thời gian ngắn mới hỗ trợ được tối ưu cho việc khoanh vùng và chớp được thời điểm vàng để dập dịch.
Vậy công tác xét nghiệm đến thời điểm hiện tại đang được triển khai hiệu quả ra sao, thưa ông?
Đến thời điểm hiện tại, đã có một số tín hiệu khả quan trong công tác xét nghiệm. Tại Đà Nẵng, Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng) đã sớm thực hiện phương pháp gộp mẫu nhóm 5, nhóm 10 và bước đầu triển khai gộp mẫu kết hợp (gộp 20) để tăng công suất xét nghiệm. Trong đợt dịch bùng phát từ 3/5, phương thức cải tiến phương pháp mẫu gộp nhóm 5 thành mẫu gộp nhóm 10 của CDC Đà Nẵng đã nâng hiệu quả lên đáng kể, với 69.544 người đã được lấy mẫu xét nghiệm chỉ trong vòng 6 ngày, nhờ đó phát hiện được 8 ca dương tính. Phương pháp này giúp tiết kiệm tối đa lên đến 20 lần chi phí xét nghiệm so với xét nghiệm mẫu đơn. Quan trọng hơn là có thể đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm trong điều kiện hạn chế về trang thiết bị, nhân lực, vật lực, phát hiện nhanh các ca bệnh trong cộng đồng. Đó là sự sáng tạo đáng ghi nhận và là kinh nghiệm tốt cho các địa phương trong cả nước cùng chung tay chống dịch.
Điển hình như Bắc Giang, một trong những vấn đề của tỉnh hiện nay là tốc độ xét nghiệm chưa theo kịp tốc độ lấy mẫu, tính đến ngày 18/5/2021, tỉnh vẫn còn khoảng 70.000 mẫu chưa được xét nghiệm. Trong khi đó, việc phân tích mẫu để cho ra kết quả có vai trò tiên quyết trong công tác khoanh vùng, dập và chống dịch. Tôi được biết mới đây Đà Nẵng cũng đã quyết định trao tặng 12.000 sinh phẩm xét nghiệm cho Bắc Giang và Bắc Ninh để hỗ trợ công tác này. Như vậy về phương pháp và phương tiện đều đã có, chúng ta hoàn toàn có hi vọng Bắc Giang, Bắc Ninh và nhiều địa phương khác sẽ áp dụng hiệu quả, để đẩy nhanh được tiến độ và hiệu quả trong công tác kiểm soát dịch bệnh.
Song song với đó, cần phải tin học hoá để quản lý những người có kết quả xét nghiệm, cả dương tính lẫn âm tính. Việc sử dụng kết hợp các loại xét nghiệm khác nhau, xét nghiệm nhanh cần linh hoạt, không ồ ạt, tràn lan.
Ông đánh giá thế nào về tình hình kiểm soát dịch nói chung tại các địa phương đến thời điểm hiện tại?
Những nỗ lực của các địa phương, đặc biệt những địa phương “nóng” nhất về dịch trong thời gian qua như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng là rất đáng ghi nhận. Các ổ dịch ở Hà Nam, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc đến nay đã cơ bản được kiểm soát. Đến nay chúng ta vẫn kiểm soát tình hình dịch trong phạm vi cả nước, các tỉnh có dịch đang từng bước được kiểm soát, chưa phát hiện ổ dịch mới chưa rõ nguồn lây.
Tôi đánh giá rất cao sự tương trợ, chia sẻ sáng kiến, kinh nghiệm quý báu của các địa phương, tuy đang gồng mình chống dịch nhưng vẫn chi viện cho các tỉnh bạn để phần nào vơi bớt khó khăn, đẩy nhanh hiệu quả phòng dịch. Những sự sẻ chia như của Đà Nẵng dành cho Bắc Giang, Bắc Ninh, hay của Hà Nội, Quảng Ninh cử các y bác sĩ đến tiếp viện tại vùng dịch là rất đáng trân quý và đặc biệt có ý nghĩa trong thời điểm này, thể hiện rõ tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết của dân tộc. Tôi cũng mong rằng cộng đồng sẽ nhận thức sâu sắc và phối hợp thật tốt trong công tác phòng chống dịch một cách triệt để, kiên quyết, mỗi người dân hãy là một chiến sĩ, và cả đất nước sẽ sớm có lại sự bình yên.
Xin cám ơn ông!