Thông tuyến khám, chữa bệnh góp phần đổi mới cơ chế quản lý tài chính y tế, bảo đảm quyền lợi người bệnh

Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, từ năm 2015, người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng khó khăn, người sống ở xã đảo, huyện đảo khi khám bệnh, chữa bệnh trái tuyến tại tuyến tỉnh, tuyến Trung ương được hưởng đầy đủ quyền lợi như khám bệnh, chữa bệnh đúng tuyến. Việc thông tuyến khám, chữa bệnh được thực hiện theo lộ trình, bắt đầu là khám, chữa bệnh từ tuyến huyện (2016) đến điều trị nội trú tuyến tỉnh (2021).

Chú thích ảnh
Người dân khám chữa bệnh tại cơ sở y tế. Ảnh: TTXVN

Cơ chế thông tuyến đòi hỏi mỗi cơ sở khám, chữa bệnh phải chủ động, tích cực nâng cao chất lượng dịch vụ về phạm vi chuyên môn kỹ thuật, tinh thần, thái độ, phong cách phục vụ; tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở khám, chữa bệnh. Việc áp dụng cơ chế này cũng góp phần vào việc đổi mới cơ chế quản lý tài chính y tế.

Tạo động lực cho cơ sở khám, chữa bệnh nâng cao chất lượng dịch vụ

Luật Bảo hiểm y tế quy định, từ năm 2016 người tham gia bảo hiểm y tế khi khám bệnh, chữa bệnh trái tuyến tại các cơ sở tuyến xã, tuyến huyện trong tỉnh và bệnh viện tuyến huyện trên toàn quốc được hưởng quyền lợi như khám bệnh, chữa bệnh đúng tuyến (thông tuyến huyện).

Số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, số lượt khám, chữa bệnh tại tuyến huyện đã tăng mạnh trong các năm gần đây so với năm 2015 (trước khi thông tuyến huyện). Cụ thể, năm 2015 có 56,4 triệu lượt người khám, chữa bệnh thì năm 2016 có 72,6 triệu lượt (tăng 28,7%), năm 2017 có 86,5 triệu lượt (tăng 53,4%), năm 2019 có 107 triệu lượt, năm 2022 có 91 triệu lượt.

Quy định thông tuyến và số lượt người khám, chữa bệnh tăng cao tại tuyến huyện đã tạo động lực cho các cơ sở nơi người có thẻ bảo hiểm y tế đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu và các cơ sở khám, chữa bệnh thuộc tất cả các tuyến nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người tham gia bảo hiểm y tế. Nhiều cơ sở y tế tuyến huyện đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, thực hiện chuyển giao kỹ thuật, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người có thẻ bảo hiểm y tế. Điều này tạo ra một xu thế cùng đổi mới, phát triển trong tổ chức cung ứng dịch vụ khám, chữa bệnh.

Cũng theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, việc thông tuyến tỉnh được thực hiện từ đầu năm 2021, người có thẻ bảo hiểm y tế đi khám, chữa bệnh trái tuyến tại bệnh viện tuyến tỉnh được hưởng 100% chi phí theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng khi điều trị nội trú (người có thẻ bảo hiểm y tế phải tự chi trả chi phí khám, chữa bệnh ngoại trú khi khám, chữa bệnh trái tuyến tại bệnh viện tuyến tỉnh). 

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, số lượt khám, chữa bệnh nội trú năm 2021 giảm 18% so với số lượt khám, chữa bệnh nội trú năm 2020, nhưng tỷ lệ lượt nội trú trái tuyến trong tổng lượt nội trú vẫn tăng gấp đôi so với năm 2020. 

Năm 2022, nhiều cơ sở khám, chữa bệnh có tỷ lệ điều trị nội trú trái tuyến tuyến tỉnh cao. Có 59 bệnh viện tuyến tỉnh của toàn quốc có tỷ lệ bệnh nhân điều trị nội trú trái tuyến trên tổng số bệnh nhân điều trị nội trú chiếm từ 90% trở lên, chủ yếu là các bệnh viện y học cổ truyền, phục hồi chức năng. Tổng số lượt khám, chữa bệnh tại tuyến tỉnh của năm này là 32,6 triệu lượt.

Giảm thiểu thủ tục hành chính khi chuyển tuyến

Cơ chế thông tuyến đã tạo điều kiện thuận lợi cho những người tham gia bảo hiểm y tế tiếp cận dịch vụ y tế do giảm thiểu thủ tục hành chính mỗi khi người bệnh phải chuyển tuyến. Tuy nhiên, Bộ Y tế cho rằng, việc quy định người có thẻ bảo hiểm được áp dụng cơ chế "thông tuyến" như hiện nay dẫn đến tình trạng tiếp cận dịch vụ y tế không phù hợp với nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh thực tế và sử dụng lãng phí các nguồn lực, đặc biệt là quá tải các bệnh viện tuyến kỹ thuật cao. Bên cạnh đó, quy định này cũng gây khó khăn trong thực hiện mục tiêu quản lý sức khỏe cá nhân, hộ gia đình.  

Theo bà Trần Khánh Thu, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, cơ chế thông tuyến cho phép người bệnh đến khám, chữa bệnh ở cơ sở khác không cần giấy chuyển tuyến. Song, bà cũng cho rằng, mặc dù điều này có vẻ hỗ trợ cho người bệnh tham gia bảo hiểm y tế tiếp cận dịch vụ thuận lợi hơn nhưng có thể sẽ bỏ qua cơ hội phát hiện sớm một số triệu chứng bệnh dẫn đến giảm cơ hội điều trị cho người bệnh, do người bệnh đã bỏ qua chăm sóc sức khỏe ban đầu để lên tuyến cơ sở khám cao hơn, kể cả trong trường hợp không cần thiết sẽ dẫn đến giảm hiệu suất, thậm chí phá vỡ phân cấp chuyên môn của hệ thống y tế.

Các số liệu thống kê cho thấy, xu hướng người bệnh dịch chuyển sang tuyến huyện và tỉnh ngay từ những năm đầu tiên thực hiện thông tuyến. Bà Thu phân tích, năm 2016 thông tuyến huyện thì tỷ lệ vượt lượt khám, chữa bệnh tuyến huyện từ 43,3% năm 2015, tăng lên 60% năm 2023, trong khi đó tuyến xã giảm từ 27,6% năm 2015 xuống còn khoảng 13,7% năm 2023 và năm 2021 thông tuyến tỉnh đối với dịch vụ khám, chữa bệnh nội trú thì tỷ lệ lượt khám, chữa bệnh thông tuyến nội trú tại tuyến tỉnh tăng từ 30,5% năm 2021 và lên đến 47,28% năm 2023 và chi phí tăng lên đến 54%. 

“Nếu tiếp tục xu hướng này, hệ thống y tế cơ sở sẽ dần bị suy yếu, thậm chí sẽ bị đứt gãy”, bà Thu nói.

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Giá khám chữa bệnh điều chỉnh thế nào khi mức lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng?
Giá khám chữa bệnh điều chỉnh thế nào khi mức lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng?

Ngày 14/11, Bộ Y tế thông tin về việc ban hành Thông tư quy định phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và điều chỉnh giá khám bệnh, chữa bệnh theo mức lương cơ sở quy định tại Nghị định 73/2024/NĐ-CP. Bộ Y tế cũng đồng thời cho biết Nghị định 96/2023/NĐ-CP cho phép các đơn vị được thực hiện theo mức giá được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc phê duyệt đến khi có quy định mới nhưng không muộn hơn 31/12/2024.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN