Virus dễ lây lan từ ăn uống, giao lưu gặp gỡ
Chỉ còn 2 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, thời điểm này, người dân từ các tỉnh thành đã ùn ùn đổ về quê ăn Tết. Trong dịp Tết việc tụ tập đông người, gặp gỡ, giao lưu, liên hoan ăn uống rất dễ khiến virus SARS-CoV-2 phát tán, lây lan mạnh nếu có người nhiễm.
PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) nhận định: "Nguy cơ lây lan virus trong dịp Tết Nguyên đán là rất cao; chủ yếu lây lan trong quá trình người dân tiếp xúc gần, giao lưu, đi lại, gặp gỡ. Nhất là, đây là thời điểm người dân được nghỉ nên sẽ liên tục diễn ra các hoạt động tụ tập, ăn uống, liên hoan; trong khi nhiều người từ các địa phương khác nhau về quê, vì vậy việc virus lây lan sẽ không chỉ dừng ở một địa phương nhất định mà còn giữa các tỉnh, thành phố với nhau”.
Theo đó, sau Tết, việc dịch có lây lan rộng hay không sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc đáp ứng, sự quyết liệt phòng dịch của các địa phương và nhất là sự tự giác phòng dịch của người dân; nhất là các hoạt động lễ hội, liên hoan cần được kiểm soát.
Hiện tỷ lệ tiêm chủng phòng COVID-19 khá cao, đã xuất hiện tâm lý chủ quan của nhiều người dân vì đã có “lá chắn bảo vệ”, dễ chủ quan trong việc phòng dịch trong dịp lễ Tết.
Về điều này, PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh: Người dân cần tránh tư tưởng đã tiêm vaccine thì có thể lơ là, buông lỏng. Bởi người đã tiêm vaccine vẫn có khả năng nhiễm virus và phát tán virus làm lây lan dịch bệnh. Khi dịch bùng phát mạnh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến những người có nguy cơ bệnh nặng, những người không được tiêm vaccine, gây quá tải hệ thống y tế…
Theo dự báo của Bộ Y tế, với nhu cầu đi lại trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2022, thời gian tới có thể các địa phương sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan trong cộng đồng, kể cả với biến chủng Omicron và thậm chí sẽ có thể có những biến thể khác ngoài Omicron. Trong bối cảnh hiện tại, tình hình dịch lan rộng sẽ làm gia tăng số nhập viện, tạo áp lực lớn lên hệ thống chăm sóc y tế, đặc biệt tác động đến các nhóm đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh nặng (người già, người có bệnh nền…).
Đặc biệt, vừa qua Bộ Y tế đã đề nghị các tỉnh, thành phố triển khai các giải pháp "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch" theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong nước về quê dịp Tết, không ngăn sông cấm chợ… Trước tình hình đó, ý thức phòng dịch của người dân càng cần phải được nâng cao.
Có kế hoạch chúc Tết hợp lý
Trước tình hình dịch COVID-19 còn phức tạp, các chuyên gia dịch tễ khuyến cáo người dân cần hạn chế các hoạt động đông người không cần thiết khi trở về quê trong dịp Tết.
PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo: Mỗi người dân khi về quê ăn Tết cần tuyệt đối tuân thủ 5K, hạn chế tiếp xúc đám đông, giảm tần suất đi lại khi không cần thiết, không tổ chức các hoạt động tập thể hay ăn uống linh đình. Đặc biệt, mỗi người dân cần có kế hoạch thăm hỏi phù hợp, hạn chế những trường hợp giao lưu, thăm hỏi không quá cần thiết trong dịp Tết.
Còn theo TS. Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TP Hà Nội, khi đi lại, di chuyển, mỗi người dân cũng phải tuân thủ nghiêm các quy định về thực hiện 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang nơi công cộng, nơi đông người; khai báo y tế đầy đủ. Đặc biệt, nếu có biểu hiện nghi ngờ hoặc tiếp xúc với ca bệnh thì phải làm xét nghiệm sàng lọc.
Theo đó, khi người dân về các địa phương cũng phải biết tự lắng nghe cơ thể mình, hạn chế tiếp xúc trong những ngày đầu mới về, hạn chế tụ tập nơi đông người. Đặc biệt, người thân trong gia đình ở tại địa phương cũng phải có trách nhiệm đôn đốc, nhắc nhở người tư nơi khác về để cùng tuân thủ các quy định phòng dịch, hạn chế lây nhiễm nếu có.