Theo đó, thành phố Hà Nội tăng cường truyền thông vận động đến cấp ủy Đảng và lãnh đạo chính quyền các cấp nhằm đạt được sự cam kết, ủng hộ và sự đồng thuận trong việc thực thi các văn bản pháp quy liên quan đến dự phòng và kiểm soát các nguy cơ sức khỏe. Thành phố huy động sự tham gia của cộng đồng, các tổ chức và người có uy tín trong cộng đồng và phối hợp liên ngành trong dự phòng và kiểm soát các nguy cơ sức khỏe; nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng và nhân viên y tế về nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm và tăng cường thực hiện hành vi phòng bệnh.
Đặc biệt, Hà Nội nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng về nguy cơ đối với sức khỏe từ những hành vi lối sống không lành mạnh và tăng cường thực hiện hành vi có lợi cho sức khỏe để nâng cao sức khỏe, phòng các bệnh không lây nhiễm (tăng huyết áp, đái tháo đường, COPD, ung thư...). Cùng với đó, thành phố nâng cao nhận thức của người dân, người sản xuất và người kinh doanh thực phẩm về nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe từ sản xuất, bảo quản, chế biến, kinh doanh thực phẩm và tăng cường thực hiện hành vi an toàn; nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng và nhân viên y tế về nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe do thảm họa (ngộ độc, cháy nổ tai nạn lao động, tai nạn giao thông...) và tăng cường hành động dự phòng và xử trí tai nạn, thương tích.
Thành phố tăng cường củng cố và hoàn thiện mạng lưới truyền thông về sức khỏe nhằm đáp ứng yêu cầu truyền thông về các nguy cơ sức khỏe, dự phòng và ứng phó với các nguy cơ đó.
UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện, chỉ đạo, phối hợp liên ngành nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp để tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch truyền thông nguy cơ sức khỏe. Các cấp chính quyền chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo thực hiện và ưu tiên phân bổ kinh phí hàng năm để đạt được các mục tiêu sức khỏe ở từng địa phương trên cơ sở các mục tiêu sức khỏe của người dân thành phố. Các đơn vị, địa phương tăng cường truyền thông về vai trò, trách nhiệm phối hợp triển khai thực hiện các chính sách, hoạt động của kế hoạch truyền thông nguy cơ sức khỏe người dân thành phố.
Ngoài ra, các đơn vị, địa phương vận động thực hiện giải pháp đảm bảo thực hiện các chính sách, quy định về kiểm soát yếu tố nguy cơ, thúc đẩy yếu tố tăng cường sức khỏe và phòng, chống bệnh tật, gồm: Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia; Luật Bảo vệ môi trường; Luật An toàn thực phẩm; Luật An toàn, vệ sinh lao động; Luật Người cao tuổi; Luật Trẻ em; chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan khác.
Trước đó, thành phố Hà Nội đã triển khai Chương trình Sức khỏe Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu đến năm 2025 giảm tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi xuống dưới 10%; khống chế tỷ lệ người trưởng thành bị béo phì dưới 12%; giảm tỷ lệ người trưởng thành ăn thiếu rau, trái cây xuống dưới 35%; giảm mức tiêu thụ muối trung bình/người/ngày dưới 7 gam; giảm tỷ lệ người dân từ 18 - 69 tuổi thiếu vận động thể lực xuống dưới 22%.
Thành phố phấn đấu 100% số người dân được quản lý, theo dõi sức khỏe tại cộng đồng; tất cả trạm y tế cấp xã triển khai chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng và gia đình; tỷ lệ xã thực hiện các hoạt động chăm sóc sức khỏe lao động cơ bản cho người lao động trong khu vực không có hợp đồng lao động (nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và làng nghề) đạt 40%...
Để hoàn thành các chỉ tiêu trên, UBND thành phố đề ra 11 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 5 giải pháp chủ yếu, trong đó nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp để tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình Sức khỏe Việt Nam trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025.