70% nữ giới mắc bệnh lý suy giãn tĩnh mạch
Thạc sĩ, bác sĩ Khổng Tiến Bình, Trưởng khoa Nội - Can thiệp Tim mạch, Hô hấp, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, bệnh suy tĩnh mạch có thể xảy ra ở bất kỳ tĩnh mạch nào trên cơ thể. Tuy nhiên là bệnh thường xảy ra nhất là ở các tĩnh mạch chân do hệ thống tĩnh mạch chân dài, cấu tạo phức tạp thường phải chịu áp lực lớn.
Suy giãn tĩnh mạch chi dưới là sự suy giảm khả năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch chi dưới, dẫn đến hiện tượng máu bị ứ đọng lại, gây ra các biến đổi về huyết động và làm biến dạng các tổ chức mô xung quanh. Bệnh có thể dẫn đến biến chứng khó chữa như: chàm da, loét chân không lành, chảy máu, giãn lớn các tĩnh mạch nông, viêm tĩnh mạch nông huyết khối, huyết khối tĩnh mạch sâu...
Vì một số nguyên nhân dẫn tới sự hoạt động bất thường của van tĩnh mạch gây ra dòng máu trào ngược làm ứ trệ tuần hoàn máu tĩnh mạch và tăng áp lực tĩnh mạch lâu dần gây bệnh suy tĩnh mạch mạn tính.
Theo bác sĩ Khổng Tiến Bình, tỷ lệ mắc bệnh giãn tĩnh mạch chân xuất hiện ở nữ giới chiếm đến 70% trong tổng số người mắc bệnh. Cứ khoảng 2 - 3 bệnh nhân mắc bệnh thì mới có 1 bệnh nhân nam, điều đó còn do thói quen lựa chọn thời trang của nữ giới. Việc thường xuyên mang giày cao gót, mặc quần áo bó sát sẽ tăng áp lực đến hệ tĩnh mạch ngoại biên, gây tăng áp lực lên chân, dẫn đến tình trạng suy giãn tĩnh mạch chi dưới ở phụ nữ.
Bên cạnh đó, những người có nguy cơ cao mắc bệnh bao gồm người đứng lâu, ngồi nhiều, ít vận động. Cụ thể là một số nghề như giáo viên, nhân viên văn phòng, thợ dệt, bác sĩ thẩm mỹ, cảnh sát giao thông... do tính chất công việc nên buộc nhiều người phải ngồi hoặc đứng lâu. Khi đó máu sẽ dồn xuống chân và ứ đọng lại, tạo ra một áp lực gây cản trở quá trình máu trở về tim, dẫn đến bệnh.
"Một trong những lý do giải thích cho tỷ lệ nữ giới mắc bệnh cao là do lúc mang thai, cổ tử cung mở rộng, các hormon tăng tiết và thay đổi một cách đột ngột. Hàm lượng tiết tố nữ tăng cao và khi thai to gây chèn ép tĩnh mạch cản trở máu về tim là nguyên nhân gây ra giãn tĩnh mạch chân. Tuy nhiên, vào lúc mang thai thì các mẹ bầu không có biểu hiện gì hoặc những triệu chứng sẽ biến mất sau khi sinh. Nhưng khoảng 3 - 5 năm sau, phụ nữ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng khởi phát của bệnh giãn tĩnh mạch", bác sĩ Bình cho biết.
Người bị bệnh béo phì cũng là đối tượng dễ bị bệnh giãn tĩnh mạch chân. Nguyên nhân là do những người béo phì hầu như đều có chế độ ăn uống thiếu lành mạnh, ít chất xơ, lại có xu hướng ít vận động. Bên cạnh đó, cơ thể nặng nề dẫn đến áp lực lớn dồn đến chân và gây ra bệnh suy giãn tĩnh mạch.
Ngoài ra, các đối tượng như người cao tuổi, người từng trải qua phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, mổ niệu, người nằm bất động do tai biến, bó bột, hoặc người thường xuyên làm việc trong môi trường nhiệt độ cao... cũng có nguy cơ cao mắc bệnh.
Ngoài việc phải đứng nhiều thì làm việc trong môi trường ẩm thấp cũng là tác nhân gây bệnh trầm trọng hơn. Thêm vào đó, việc khiếm khuyết van tĩnh mạch do bẩm sinh cũng là nguyên nhân gây bệnh nặng.
Quá trình thoái hóa do tuổi tác (thường gặp ở người già): tuổi thọ ngày càng cao sẽ kéo theo những bệnh của quá trình lão hóa, trong đó có suy giãn tĩnh mạch...
Bệnh tiến triển chậm nên thường bị bỏ qua
Bác sĩ Bình cho biết, ngay trong buổi sáng khám bệnh đã gặp trường hợp cô N.T.M (65 tuổi) sinh sống tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đến khám trong tình trạng chân đau nhức, nổi tĩnh mạch xanh. Cô chia sẻ đã xuất hiện tình trạng này 4 năm nay nhưng ngại không đi khám mà ở nhà nhờ chồng mua lá xông và ngâm chân nhưng tình trạng không thuyên giảm.
Qua thăm khám, bác sĩ kết luận cô bị suy giãn tĩnh mạch mức C4, rất may chưa phát hiện vùng loạn dưỡng hay ổ loét trên chân. Theo bác sĩ Bình, trường hợp cô M sẽ gặp khó khăn trong việc sử dụng tất y khoa điều trị suy giãn tĩnh mạch, nếu tất không có cỡ vừa sẽ phải quấn băng chun rất bất tiện trong sinh hoạt...
Bác sĩ Bình khuyến cáo, do bệnh thường tiến triển chậm, không rầm rộ nên thường xuyên bị bỏ qua dẫn đến người bệnh phát hiện khi bệnh đã nặng, có thể để lại nhiều biến chứng rất nặng nề... Vì vậy, người dân nên đi thăm khám và tầm soát kịp thời, tránh phải điều trị lâu dài, tốn kém chi phí, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Thạc sĩ, bác sĩ Khổng Tiến Bình cho biết, suy giãn tĩnh mạch cũng thường gặp ở người trẻ, đặc biệt ở nhóm bệnh nhân có tư thế sai và chế độ sinh hoạt không phù hợp, đặc biệt là những nhóm bệnh nhân hay phải đứng lâu, ngồi nhiều, mang vác nặng và làm việc trong môi trường ẩm thấp...
Người bệnh cần thay đổi chế độ sinh hoạt, tránh những công việc phải đứng lâu, ngồi nhiều, mang vác nặng hoặc làm việc ở những môi trường ẩm thấp, đồng thời tập những bài tập để tăng cường sức co bóp của cơ, giống như một cái máy bơm đưa máu về tim như bài tập kiễng chân, xoay cổ chân, gập duỗi cổ chân, ngón chân... Phụ nữ hạn chế mang giày cao gót, tránh mặc quần áo quá chật. Ngoài ra, khi ngủ cần kê cao chân khoảng 10-15cm so với mặt giường, giảm ứ máu tĩnh mạch khi ngủ...
Theo bác sĩ Bình, nếu không điều trị bệnh sẽ gây các biến chứng có thể ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống và có thể là tính mạng. Trong trường hợp huyết khối tĩnh mạch sâu sẽ làm chân nóng, sưng đỏ, đau nhức nhối, ngứa, có thể bị chảy máu, nhiễm trùng thứ phát. Trường hợp huyết khối tĩnh mạch sâu có thể nguy hiểm tới tính mạng do huyết khối có thể bong và đi lên phổi gây tắc mạch phổi.
Bệnh có thể sẽ gây loạn dưỡng da chân làm sa phù nề, dày lên, có thể bong vảy da, chảy nước; loét chân khiến chân xuất hiện các vết loét rất đau, ban đầu loét nông sau đó sâu và rộng dần, dễ bội nhiễm vi khuẩn.