Số ca nhiễm virus EV71 tăng
Theo Bộ Y tế, kết quả giám sát vi sinh về tác nhân gây bệnh tay chân miệng năm 2023 qua các mẫu xét nghiệm đã ghi nhận gia tăng tỷ lệ các trường hợp dương tính với Enterovirus 71 (EV71).
Cụ thể, tỷ lệ ca nhiễm nhiễm virus EV71 tăng từ 5,9% ở tuần 14 năm 2023 lên 19,2% trong tuần 20 năm 2023. Đáng lo ngại là sự xuất hiện của virus EV71 71 có khả năng gây bệnh nặng ở một số trường hợp mắc bệnh.
Trong khi đó, số ca mắc tay chân miệng đang tăng lên rõ rệt ở nhiều địa phương. Đơn cử như tại TP.Hồ Chí Minh, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố, trong tuần 23 của năm 2023, Thành phố ghi nhận 423 ca bệnh, tăng 142,4% so với trung bình 4 tuần trước (175 ca); hầu hết các quận, huyện đều đã ghi nhận ca bệnh. Đặc biệt, tại các cơ sở y tế đã phát hiện các ca nhiễm virus EV71 và đều có kiểu gen B5 khi tiến hành giải trình tự gen. Với số ca bệnh nặng kèm sự xuất hiện của virus EV71, tình hình dịch bệnh tay chân miệng tại TP.Hồ Chí Minh được dự báo có nhiều diễn biến phức tạp.
Tại các tỉnh, thành phố khác cũng đang gia tăng các ca mắc tay chận miệng như Kon Tum 23 trường hợp mắc từ đầu năm đến nay (tăng 18 ca so với cùng kỳ năm trước). Sở Y tế tỉnh này đang chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh; lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên để xác định tác nhân gây bệnh. Kon Tum cũng củng cố lại Đội đáp ứng nhanh các tuyến nhằm kịp thời điều tra, xác minh, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới khi cần thiết.
Tại Hà Tĩnh, từ đầu năm đến nay đã có 27 trẻ em mắc tay chân miệng, nhiều trường hợp có biến chứng nặng phải điều trị ở tuyến huyện, tỉnh. Hà Tĩnh cũng đã ra yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, các bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế trong tỉnh triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng…
Theo báo cáo của Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm (Bộ Y tế), trong 5 tháng đầu năm 2023, đã ghi nhận 8.995 trưởng hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 3 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ 2022 tuy số ca mắc giảm 28%, nhưng tăng 2 ca tử vong. Hiện các tỉnh miền Nam có số ca mắc cao nhất với (6.204, trong đó có 2 ca tử vong); tiếp theo là miền Bắc với 2.007 ca, miền Trung 316 ca, Tây Nguyên 130 ca , trong đó có 1 ca tử vong.
Dịch bệnh tay chân miệng do các loại virus thuộc nhóm đường ruột, gồm có Coxsackie, Echo và các virus đường ruột khác gây ra, trong đó hay gặp là virus EV71 và Coxsackie A16. EV71 chính là tác nhân gây dịch tay chân miệng lớn vào các năm 2011, 2018.
Chuẩn bị các tình huống dịch
Trước tình hình dịch tay chân miệng có nguy cơ lan rộng, các tỉnh, thành phố đang tích cực triển khai các biện pháp ứng phó.
Tại “điểm nóng” dịch TP Hồ Chí Minh, Sở Y tế Thành phố đã xây dựng kế hoạch đảm bảo công tác thu dung, điều trị bệnh tay chân miệng trên địa bàn theo ba kịch bản ứng phó với các trường hợp nặng (từ độ 2a trở lên, ước tính chiếm khoảng 10% ca bệnh nội trú).
Cụ thể có 3 tình huống dịch được đưa ra như: Tình huống thứ nhất, khi có dưới 50 ca nhập viện mới/ngày, dưới 200 ca đang điều trị nội trú và dưới 20 ca nặng tại các bệnh viện. Ở tình huống này, tổng quy mô giường bệnh điều trị tay chân miệng được bố trí là hơn 200 giường, với 30 giường phục vụ hồi sức tích cực, các bệnh nhi được ưu tiên tập trung điều trị tại 3 bệnh viện chuyên khoa nhi của thành phố gồm:Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bênh viện Nhi đồng Thành phố.
Tình huống thứ hai là khi số ca nhập viện mới mỗi ngày tăng từ 50 - 100 ca, hệ thống y tế phục vụ 200 - 700 ca đang điều trị nội trú và 20 - 70 ca chuyển nặng tại các bệnh viện. Ở tình huống này, tổng số giường điều trị tay chân miệng sẽ cần 700 giường, trong đó có 80 giường hồi sức tích cực. Ngoài 3 bệnh viện chuyên khoa nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới được huy động thêm để thu dung điều trị.
Tình huống thứ ba dự kiến được triển khai khi Thành phố có từ 100 - 200 ca tay chân miệng nhập viện mới mỗi ngày và các cơ sở y tế có 700 - 1.400 ca điều trị nội trú với khoảng 70 - 140 ca nặng tại các bệnh viện. Tổng số giường điều trị cần chuẩn bị là 1.400 giường với khoảng 150 giường hồi sức tích cực. Các bệnh nhi nặng điều trị tại 3 bệnh viện chuyên khoa nhi và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới; đồng thời hệ thống điều trị thực hiện quy trình phân loại bệnh nhi điều trị ngoại trú và nội trú, phân tuyến điều trị nhằm tránh quá tải cục bộ tại bệnh viện tuyến cuối và hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong.
Ngoài TP Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố đang bắt đầu ghi nhận gia tăng các ca mắc tay chân miệng cũng đã kích hoạt các hoạt động phòng dịch, giám sát chặt chẽ dịch, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh; lấy mẫu xét nghiệm để phát hiện tác nhân gây bệnh…
Trước sự xuất hiện của virus EV71 khiến dịch bệnh lây lan nhanh và gây ra tình trạng nặng ở trẻ em. Bộ Y tế cũng đã liên tục cảnh báo, củng cố công tác điều trị để hạn chế đến mức thấp nhất số tử vong do bệnh tay chân miệng gây ra.
Để đáp ứng tình hình dịch, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị kiểm tra, đánh giá về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất và vật tư y tế tại cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc, bảo đảm sẵn sàng tiếp nhận và điều trị bệnh tay chân miệng.
Các Sở Y tế chỉ đạo, kiểm tra và giám sát cơ sở khám bệnh chữa bệnh thực hiện việc thu dung, điều trị người bệnh theo hướng dẫn chẩn đoán điều trị bệnh tay chân miệng của Bộ Y tế. Đồng thời, tăng cường các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm trong bệnh viện; phân tuyến điều trị; tổ chức sàng lọc phân loại người bệnh điều trị ngoại trú và điều trị nội trú theo lưu đồ xử trí bệnh tay chân miệng và củng cố nguồn lực cho đơn vị hồi sức ở tuyến tỉnh.
Bộ Y tế giao Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Nhi Đồng 2, Bệnh viện Nhi Đồng TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, các Bệnh viện Bệnh nhiệt đới các tỉnh rà soát các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất và vật tư y tế tại các đơn vị điều trị bệnh tay chân miệng để tiếp nhận các ca bệnh nặng từ các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh và các tỉnh khác chuyển đến.
Đồng thời, các đơn vị tăng cường công tác chỉ đạo tuyến tập huấn và tổ chức các kíp thường trực cấp cứu, sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho các tỉnh theo địa bàn đã được phân công và khi có yêu cầu hỗ trợ.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các Sở Y tế tham mưu và trình UBND tỉnh thành phố các biện pháp tăng cường phòng chống bệnh tay chân miệng; công tác truyền thông; bảo đảm đủ trang thiết bị, thuốc, hóa chất và vật tư y tế cần thiết để đáp ứng yêu cầu điều trị.
Để phòng bệnh tay chân miệng, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
- Vệ sinh cá nhân: Người dân thực hiện rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
- Vệ sinh ăn uống: Người dân đảm bảo ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng…
- Làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt: Các hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Thu gom và xử lý chất thải của trẻ: Các gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
- Theo dõi phát hiện sớm ca bệnh: Trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác.
- Cách ly, điều trị kịp thời khi phát bệnh: Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện và đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác.ly và đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị.