Các ca mắc sốt xuất huyết ghi nhận tại cả 30/30 quận, huyện, 434/579 xã, phường trên địa bàn thành phố.
Đáng chú ý, 10 quận, huyện có số mắc sốt xuất huyết lũy tích cao là: Nam Từ Liêm (398 ca), Thường Tín (395 ca), Phúc Thọ (376 ca), Thanh Oai (322 ca), Hoàng Mai (186 ca), Đống Đa (177 ca), Hà Đông (173 ca), Thanh Trì (158 ca), Hoài Đức (155 ca), Hai Bà Trưng (151 ca). Các địa phương có số mắc mới trong tuần cao là Hà Đông, Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Đống Đa, Thanh Oai, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng và Thường Tín.
Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế dự báo, mặc dù ngành y tế có nhiều nỗ lực nhưng công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết thời gian tới vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Hiện đang vào mùa mưa, vào thời điểm này năm trước, dịch bắt đầu gia tăng, đạt đến đỉnh vào khoảng tháng 10 đến tháng 11.
Để ngăn chặn sốt xuất huyết gia tăng trên địa bàn, ngành Y tế Hà Nội và các địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống; tăng cường giám sát ổ bệnh cũ, khu vực nguy cơ cao; đồng thời chỉ đạo hỗ trợ chuyên môn xử lý các ổ bệnh phức tạp, kéo dài tại huyện Thường Tín (xã Khánh Hà), Thanh Oai (xã Thanh Thùy), Nam Từ Liêm (Mỹ Đình 2).
Đối với những nơi có số ca mắc mới cao, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các địa phương tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là tổ chức tổng vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, phế liệu, diệt bọ gậy, khoanh vùng, xử lý triệt để các ổ bệnh. Bên cạnh đó, chủ động triển khai phòng chống các bệnh dịch mùa đông như: cúm, ho gà, sởi, tay chân miệng. Trong năm 2020, toàn thành phố đã ghi nhận 2.780 trường hợp sốt xuất huyết, chưa có ca tử vong.
Hiện nay, tốc độ đô thị hóa nhanh, hình thành nhiều vùng dân cư tập trung tạo nên các vùng sinh cảnh, sinh thái thuận lợi cho véc-tơ truyền bệnh cũng như bệnh sốt xuất huyết phát triển. Bên cạnh đó, sự giao lưu đi lại giữa các vùng miền trên cả nước cùng với sự di biến động dân cư ngày càng mạnh mẽ, làm gia tăng nguy cơ lan rộng và khó quản lý, kiểm soát nguồn truyền bệnh. Đặc biệt, bệnh sốt xuất huyết hiện vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tập quán tích trữ nước của người dân, các công trình xây dựng ngày càng nhiều… là những vấn đề khó giải quyết và cần có kinh phí, thời gian để can thiệp. Một trong những nguyên nhân quan trọng làm gia tăng dịch bệnh là ý thức của người dân chưa cao, còn chủ quan, lơ là, chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh, thực hiện diệt bọ gậy là nguồn truyền bệnh quan trọng ngay tại hộ gia đình. Một bộ phận người dân do tâm lý chủ quan tự điều trị tại nhà còn cao dẫn đến trường hợp biến chứng nhanh và tử vong.