Những ‘người mẹ’ đặc biệt giữa tâm dịch

Với những bé mới sinh từ sản phụ mắc COVID-19 chưa được gần hơi ấm của đấng sinh thành, các nữ điều dưỡng của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã trở thành người mẹ đặc biệt trong những ngày đầu đời non nớt.

Chú thích ảnh
Các điều dưỡng của khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương như những người mẹ đặc biệt giữa tâm dịch.

Chăm nhiều “con mọn” cùng lúc

Buổi chiều, ở khu vực chăm sóc các bé sau sinh từ mẹ mắc COVID-19, nơi ấm áp, “sạch” nhất của khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, các bé sơ sinh vừa được tắm xong, no sữa nằm ngủ im thít, chỉ nghe tiếng máy đo oxy máu của một số bé bị suy hô hấp.

Những chiếc miệng nhỏ xinh thi thoảng tóp tép đòi ăn, thấy bé khẽ cựa quậy, các cô điều dưỡng lại tất bật pha sữa, cho ăn, vỗ về. Nhìn các nữ điều dưỡng chăm sóc, thi thoảng lại trò chuyện với các bé, vui vẻ kể về “tính cách” của từng bé; họ đã như những người mẹ thực sự của những đứa trẻ ở nơi đặc biệt này.

“Cho bé L.T.T ra viện nhé, người nhà đang chờ ngoài thang máy rồi”.

Nghe tiếng đồng nghiệp thông báo, đang kiểm tra lại máy thở cho một bé có dấu hiệu tụt oxy máu, điều dưỡng Nguyễn Huyền Trang bỗng nhoẻn miệng cười: “Chúng tôi thường gọi tên các con bằng tên của mẹ các bé, vì trong lúc mổ đẻ gấp đã ai kịp đặt tên đâu”.

Tất tả cho bé ăn thêm bình sữa rồi đi soạn quần áo, chăn quấn ủ; điều dưỡng Nguyễn Huyền Trang vừa thay đồ, quấn chăn cho bé, vừa dỗ dành, âu yếm nói lời tạm biệt rồi bế bé ra khu vực trao cho người nhà. Nhìn em bé khỏe mạnh ra viện, được về với gia đình, dường như chị cũng thấy vui như chính người thân của bé. Trao gửi bé xong, chị lại tiếp tục quay lại với công việc của mình.

Chú thích ảnh
Điều dưỡng Nguyễn Huyền Trang trong ca trực dài.

“Thời gian gần đây, số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng tăng lên, các ca sản phụ mắc COVID-19 nặng cũng tăng, có những ngày tới 4-5 ca phải mổ đẻ. Khi các sản phụ mắc COVID-19 trở nặng phải mổ, chúng tôi còn phải trực để đón ngay các bé xuống khoa chăm sóc. Thường các bé này âm tính với SARS-CoV-2 nhưng vẫn phải theo dõi, làm các xét nghiệm cho trẻ, theo dõi diễn biến sức khỏe và tập cho em bé ăn từng chút một”, điều dưỡng Nguyễn Huyền Trang chia sẻ.

Từ khi dịch COVID-19 xảy ra, các nữ điều dưỡng của khoa Nhi thêm một nhiệm vụ đặc biệt đó là chăm sóc các cháu nhỏ sinh ra từ mẹ mắc COVID-19. Đa số các bé được theo dõi sát sao do sinh thiếu tháng vì mẹ mắc COVID-19 diễn biến xấu phải mổ bắt thai gấp.

Hiện tại khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đang theo dõi, chăm sóc cho 8 bé, trong đó có 2 bé sinh non tháng, nhẹ cân phải nằm lồng ấp và 1 bé từng bị suy hô hấp, liên tục phải theo dõi oxy máu.

Công việc của những “người mẹ” ở đây rất nặng khi phải liên tục theo dõi, không rời mắt khỏi các bé trong suốt 24/24 giờ. Ngoài việc chăm sóc, tắm rửa, vệ sinh, cho các bé ăn, còn phải theo dõi sát sức khỏe của các bé, nhất là những bé sinh non, thiếu tháng, suy hô hấp…

Hằng ngày, công việc của các nữ điều dưỡng là tắm giặt cho các bé, vệ sinh, cho các bé ăn; theo dõi liên tục sức khỏe, các chỉ số, nhất là với những bé có bệnh lý phải điều trị...

“Với những bé thiếu tháng thường bữa ăn cách nhau khoảng 1 tiếng để theo dõi, với các bé đủ tháng 2 tiếng ăn 1 bữa, lại phải để ý căn cữ ăn cho các bé. Ngần ấy công việc khiến các chúng tôi phải luôn chân tay trong suốt ca trực, đến lúc ngồi nghỉ thì mồ hôi đã ướt đầm. Có những đêm 1 người trực phải theo dõi, chăm sóc cho 6- 7 bé, lúc cao điểm lên tới 9- 10 bé; không có lúc nào được ngồi nghỉ; vì không phải bé nào cũng ăn ngủ ngoan, nhiều bé quấy khóc cả ngày lẫn đêm, rồi có những bé phải theo dõi các chỉ số bằng máy chúng tôi cũng phải liên tục để ý, xử trí khi có các bất thường. Đôi khi chỉ 1 bé khóc là tất cả các bé khác cùng khóc theo khiến các “mẹ” thực sự rối, phải nhanh chóng đi pha sữa, dỗ dành từng bé một, đôi lúc mỗi người phải hai tay hai cầm hai bình sữa cho các con ăn. Liên tục các ca trực dài xuyên đêm như vậy, chúng tôi cũng rất mệt, chỉ mong dịch nhanh qua để được nghỉ ngơi”, điều dưỡng Nguyễn Thị Truyền chia sẻ.

Chú thích ảnh
Trong khi mẹ vẫn đang phải thở máy, các em bé được các điều dưỡng chăm sóc, yêu thương.

Clip chia sẻ về công việc của các nữ điều dưỡng chăm sóc trẻ có mẹ mắc COVID-19 nặng:

Hy sinh cuộc sống riêng tư để thêm những niềm vui đoàn tụ

Vào ca đã gần 2 tháng nay, công việc không có ngày đêm nhưng dường như điều dưỡng Nguyễn Huyền Trang, điều dưỡng Nguyễn Thị Truyền và các đồng nghiệp đã quen với áp lực công việc. Xác định ở lại chống dịch là họ phải nỗ lực hết sức để chăm sóc các bệnh nhi, các em bé một cách tốt nhất, để các bé được khỏe mạnh về nhà.

“Mỗi đứa trẻ nằm đây đều trong hoàn cảnh đặc biệt, các con chưa được gần hơi ấm của mẹ từ khi chào đời, có bé nằm theo dõi đã 2 tuần mà mẹ vẫn phải đang thở máy, chưa biết khi nào khỏe lại. Khi sức khỏe các bé ổn định, được ra viện, hầu như đều là người nhà, rất ít bé được mẹ đón. Cứ nghĩ đến những hoàn cảnh như vậy lại xót lòng, vì vậy chúng tôi luôn quan tâm các con hết mức để bù đắp phần nào”, điều dưỡng Nguyễn Huyền Trang chia sẻ.

Chú thích ảnh
Niềm vui của những "người mẹ đặc biệt" khi có em bé đủ sức khỏe được ra viện.
Chú thích ảnh

Áp lực công việc là vậy, nhưng động lực với các chị là nhìn thấy những đứa trẻ khỏe lên từng ngày, về đoàn tụ với gia đình.

“Ở đây chúng tôi từng gặp rất nhiều hoàn cảnh éo le. Nhiều sản phụ vốn đã khó có con, điều trị mãi mới có thể mang thai, lại mắc COVID-19 rất nặng, những đứa trẻ khi ấy thực sự là “con quý, con hiếm” lại ra đời trong hoàn cảnh rất đáng ngại. Vì vậy chúng tôi cũng phải cố gắng hết sức để các bé được khỏe mạnh, được ngóng mẹ đón về. Rồi nhiều gia đình, tuy chưa được gặp em bé từ khi sinh ra nhưng liên tục liên hệ vào trong này để xin video, xin ảnh các bé hàng ngày. Khi các bé ổn định ra viện, nhìn gia đình các bé vui mừng đón đứa trẻ khỏe mạnh về nhà chúng tôi rất xúc động. Nhưng cũng có nhiều gia đình, cả ông bà bố mẹ đều bị COVID-19, họ phải nhờ người thân, họ hàng đi đón hộ; những lúc như vậy, trao trẻ về với gia đình, chúng tôi cũng rất bùi ngùi”, điều dưỡng Nguyễn Thị Truyền xúc động.

Thương những đứa trẻ ấy, lao vào tâm dịch làm việc, nhưng các nữ điều dưỡng cũng phải để lại con cái ở nhà, nhờ người thân chăm sóc. Những ca trực dài ngày đằng đẵng, vừa cố gắng, vừa gạt đi nỗi nhớ thương con và gánh nặng công việc ở nhà. Mỗi ca trực là ở lại bệnh viện 2 tháng rồi lại được về nhà 1 tuần. Những ngày ngắn ngủi được về nhà, các  lại phải tranh thủ quan tâm con cái, động viên con và người thân để cùng nhau cố gắng.

“Những ngày ở trong viện, nghe người thân ở nhà cũng thành F0 nhưng không thể về, tôi rất sốt ruột nhưng chỉ biết động viên, hướng dẫn ông bà và các con ở nhà cách phòng tránh lây nhiễm, cách theo dõi sức khỏe tại nhà. Công việc của nhân viên y tế là vậy, trong mùa dịch chúng tôi không có gắng thì ai có thể thay thế?”, điều dưỡng Nguyễn Thị Truyền bùi ngùi.

Bài, ảnh, clip: Tạ Nguyên
Tết đáng nhớ nơi tuyến đầu của bác sĩ  9X đi chi viện chống dịch
Tết đáng nhớ nơi tuyến đầu của bác sĩ 9X đi chi viện chống dịch

Tham gia chi viện cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đúng dịp Tết Nguyên đán, BS Nguyễn Trung Hiếu đã có một cái Tết đặc biệt cùng các bệnh nhân COVID-19 nặng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN