Vô tư “phì phèo”
Ngồi trong một quán cafe nhỏ trên phố Núi Trúc (Ba Đình, Hà Nội), bàn kế bên tôi là hai thanh niên vừa nói chuyện vừa “phì phèo” điếu thuốc. Trong không gian chật hẹp, bức bí, chỉ có một cửa ra vào khép hờ, mùi khói thuốc bay ra càng nồng nặc như muốn ngộp thở, tôi phải di chuyển sang cách đó mấy bàn, nhưng vẫn không chịu nổi. Không chỉ tôi, một vài phụ nữ xung quanh cũng tỏ ra khó chịu, húng hắng ho. Đến khi tôi đứng dậy ra nhắc khéo rằng trong quán có cả phụ nữ thì hai thanh niên mới dập tắt điếu thuốc, nhưng vẫn rất hồn nhiên trả lời rằng trong quán không cấm nên ngày nào cũng ra đây hút.
“Quán tôi chưa treo biển không hút thuốc, hàng ngày khách đến vẫn có người hút thuốc, nhưng họ cũng chỉ hút 1 - 2 điếu rồi đi, nên cũng “tặc lưỡi” cho qua, có hôm mùi thuốc ám quanh phòng cả ngày”, chị chủ quán cho biết. Có lẽ ngày ngày ngửi mùi khói thuốc đã quen, mà chị chẳng biết đến tác hại của nó.
Còn tại một quán trà đá trên phố Trần Huy Liệu (Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội), buổi trưa ở đây phần lớn là các nam thanh niên ngồi tụ tâp, trong số đó không ít người trên tay đang nghi ngút điếu thuốc lá. Tuy là không gian mở ngoài trời, nhưng khói thuốc vẫn bay ra khiến người xung quanh khó chịu. Tuy vậy, hầu hết đều chịu đựng hoặc tránh xa mà không thấy ai nhắc nhở hay góp ý với người hút.
Chị Nguyễn Thị Lan Hương (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Tôi sợ nhất mùi khói thuốc lá, chỉ mùi thôi đã sợ chưa nói đến nó có tác hại vô cùng tới phổi khi hít phải. Hiện nay ở những nơi quán ăn, vỉa hè, còn rất nhiều người hút thuốc, hầu hết họ đều chẳng quen biết, nên muốn nhắc nhở cũng ngại, chưa kể sợ họ nổi nóng thì phiền, vì ở đây đâu có quy định cấm”.
Thời gian gần đây, việc cấm hút thuốc tại một số điểm công cộng như: Công sở, bệnh viện, trường học… đã được thực hiện, những nơi này sẽ được treo biển cấm hút thuốc để nhắc nhở người dân và có khu vực riêng để hút thuốc tránh ảnh hưởng đến người khác. Tuy nhiên, nhiều điểm công cộng, không gian ngoài trời khác như: Quán ăn, quán café, vỉa hè… cũng là nơi thường tập trung đông người, nhưng không có quy định cấm nên nhiều người cứ vô tư hút thuốc. Chính vì sự thoải mái đó, khiến những người xung quanh vô tình hít phải khói thuốc, trở thành nạn nhân bị đe dọa đến sức khỏe, mà chẳng mấy ai góp ý với người hút, cũng chẳng biết “kiện cáo” với ai.
Lên tiếng để tự bảo vệ
TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp Chế, Bộ Y tế cho biết: Việc hút thuốc lá nơi vỉa hè, lề đường là không gian mở, nên không bị pháp luật cấm. Tuy nhiên, Luật cũng khuyến cáo tại các địa điểm này, các cơ quan chức năng cần bố trí các điểm để người hút thuốc lá hút tập trung và để tàn, đầu mẩu thuốc lá đúng nơi quy định, bảo đảm vệ sinh chung, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Theo TS. Nguyễn Huy Quang, thực tế ngay cả ở những nơi đã có quy định cấm hút thuốc, nhưng nhiều người vẫn vi phạm, thậm chí khá phổ biến, ở mọi đối tượng, nên việc xử phạt cùng một lúc khó khăn. Trong khi đó, lực lượng chức năng, cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt lại không đủ để tiến hành thường xuyên. Vì vậy, hiện mới chỉ dựa vào sự tự giác, ý thức pháp luật, hành vi văn hóa của người hút thuốc lá và sự nhắc nhở, cảnh báo của những người xung quanh. Kinh nghiệm của quốc tế cũng như ở Việt Nam cho thấy, việc thông tin giáo dục truyền thông đóng vai trò hết sức quan trọng trong phòng, chống tác hại thuốc lá. Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã quy định việc truyền thông, đặc biệt là truyền thông trực tiếp, để người dân từ chưa hiểu đến hiểu đầy đủ và từ hiểu đầy đủ dẫn đến thay đối hành vi.
Trên thực tế, nhiều người không hút thuốc rất bức xúc khi phải thụ động hít khói thuốc lá từ những người hút ở nơi công cộng, nhưng không biết phản ánh cho ai. Trước hết, để giảm bức xúc, những người đó nên trực tiếp nhắc nhở, trao đổi với người hút thuốc lá, đồng thời phản ảnh trực tiếp với lực lượng bảo vệ, người đứng đầu các cơ quan công sở… ở những nơi đã có quy định để chấn chỉnh. Những người không hút thuốc tốt hơn hết không lại gần nơi có người đang hút thuốc, nếu phải sống chung, ở gần thì nên mạnh dạn góp ý, nhắc nhở, thậm chí đấu tranh với hành vi hút thuốc. Ở một số nơi công cộng, nên có khu vực hút thuốc và khu vực không hút thuốc để người dân lựa chọn.
Đại diện Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cũng cho biết: Hiện nay, cơ quan chức năng cũng đang tìm hiểu để ban hành cơ chế phạt nguội giống như ở Singapore, tức là chỉ cần chụp được ảnh có đầy đủ tên cơ sở để xảy ra vi phạm hoặc người có hành vi hút thuốc và các hành vi vi phạm Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá để xử phạt. Việc nghiên cứu thực hiện quy định này nhằm đảm bảo đúng quy định của pháp luật và tăng cường hiệu quả xử phạt nhằm hướng tới xây dựng môi trường không khói thuốc.