Theo nhóm nghiên cứu, các tế bào “zombie” là những tế bào đã ngừng phân bào nhưng không chết đi. Chúng phá hoại các tế bào khỏe mạnh gần đó bằng cách thải ra các chất gây viêm nhiễm. Nhóm nghiên cứu đã xác định được một loại protein trong các tế bào “zombie” của con người và chuột, và tạo ra vaccine peptide dựa trên một loại amino acid cấu thành nên protein đó. Vaccine này giúp cơ thể tạo ra các kháng thể tự gắn vào các tế bào “zombie” và sau đó, các tế bào lão hóa này sẽ bị các bạch cầu loại bỏ.
Khi nhóm nghiên cứu tiêm vaccine cho chuột thí nghiệm mắc bệnh xơ cứng động mạch, nhiều tế bào “zombie” đã bị loại bỏ. Bên cạnh đó, khi tiêm vaccine này cho các con chuột già, quá trình lão hóa diễn ra chậm hơn so với các con chuột không được tiêm vaccine. Nhóm nghiên cứu cho biết số lượng các tế bào “zombie” trong nhóm chuột được tiêm vaccine đã giảm đáng kể ở những khu vực bị tác động bởi bệnh xơ cứng động mạch.
Giáo sư Toru Minamino của Đại học Juntendo, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng vaccine này sẽ được ứng dụng để chữa trị bệnh xơ cứng động mạch, tiểu đường và các bệnh khác liên quan tới lão hóa”.
Theo nhóm nghiên cứu, nhiều loại dược phẩm hiện nay đang được sử dụng giúp loại bỏ tế bào lão hóa, như các chất chống ung thư, có thể gây ra các phản ứng phụ tiêu cực. Tuy nhiên, tác dụng phụ của loại vaccine mới này ít hơn, trong khi tác dụng của vaccine lại kéo dài hơn.