Trong nghiên cứu này được đăng trên tạp chí Nature, hai nhóm nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Thần kinh, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) và Viện nghiên cứu Pasteur của Thượng Hải (Trung Quốc) đã tiến hành sàng lọc các gen điều chỉnh suy giảm hành vi ở loài giun tròn Caenorhabditis elegans và đánh giá các dữ liệu của con người.
Đây là loài giun trong suốt chỉ dài khoảng 1mm song lại chia sẻ nhiều dữ liệu di truyền tương tự con người, bao gồm cả các gen gây ra quá trình lão hóa. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện sự hiện diện của hai mã gen BAZ2B và EHMT1 tăng theo tuổi và có sự tương quan với sự tiến triển của bệnh Alzheimer, còn gọi là hội chứng suy giảm trí nhớ. Nghiên cứu cũng cho thấy việc giảm chức năng của BAZ2B có thể cải thiện chức năng nhận thức và hành vi của những con giun Caenorhabditis elegans và chuột già.
Caenorhabditis elegans là loài giun sống chủ yếu trong đất, sinh sôi nảy nở mạnh dưới lớp mùn cây cỏ mục nát. Chia sẻ nhiều gen với con người và chỉ sống được trung bình 3-4 tuần, những con giun tròn này thường được sử dụng cho các thí nghiệm can thiệp di truyền để tác động lên tuổi thọ. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết việc áp dụng nghiên cứu này đối với con người vẫn còn chưa chắc chắn.