Theo các bác sĩ, hai nhóm bệnh chính mà trẻ thường mắc phải khi thời tiết chuyển lạnh là các bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính như viêm hô hấp trên, viêm mũi, viêm họng, viêm tai giữa, viêm phổi và các bệnh dị ứng đường hô hấp như viêm mũi dị ứng, viêm xoang dị ứng và hen suyễn.
Ghi nhận tại một số khoa nhi, bệnh viện nhi cho thấy trong những ngày gần đây, số trẻ đến khám vì mắc các bệnh về đường hô hấp gia tăng. Đặc biệt, nhiều ca viêm tiểu phế quản nặng do vi rút hợp bào hô hấp. Tại khoa Hô hấp bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) hiện có khoảng 300 trẻ đang nằm điều trị, trong đó có gần 100 trẻ bị viêm tiểu phế quản do vi rút hợp bào hô hấp. Điều đáng lo ngại, hầu hết những trường hợp này đều đến bệnh viện trong tình trạng nặng, bởi người thân nghĩ cảm sốt thông thường.
Bác sĩ Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết vi rút hợp bào hô hấp là một trong những nguyên nhân gây bệnh đường hô hấp, bệnh tăng mạnh khi giao mùa hoặc mùa mưa. Bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và vi rút truyền bệnh từ người sang người khi chạm phải chất dịch của người bệnh hoặc hít phải không khí có nhiễm vi rút... Bệnh lây nhiễm rất nhanh, chỉ sau bệnh cảm cúm.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Bạch Huệ, Trưởng khoa Nhi bệnh viện Quốc tế City, cho biết khi thời tiết chuyển mùa với khí hậu se lạnh, trẻ có hệ miễn dịch non nớt, cơ thể chưa kịp thích nghi nên dễ mắc các bệnh về đường hô hấp với nhiều triệu chứng, trong đó ho là phổ biến. Tình trạng này kéo dài có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe và sự phát triển của trẻ nhỏ.
Để phòng tránh các bệnh cho trẻ trong thời tiết giao mùa, bác sĩ Nguyễn Bạch Huệ khuyến cáo: Cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ như thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh đồ đạc, giường chiếu... Thời tiết giao mùa, người lớn, trẻ nhỏ đều dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, thậm chí những người khỏe mạnh không có dấu hiệu bị bệnh nhưng vẫn có thể mang vi rút đang trong giai đoạn ủ bệnh. Vì vậy, phụ huynh nên hạn chế cho con tới những nơi đông người; đảm bảo chế độ dinh dưỡng, ngủ nghỉ hợp lý. Trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ, nhất là mũi phòng bệnh thường gặp lúc giao mùa như: cúm, rubella, viêm phổi do phế cầu, sởi, ho gà...
Không chỉ trẻ em, người lớn tuổi cũng dễ mắc bệnh khi thời tiết thay đổi, như: Cảm lạnh, cúm, viêm họng, viêm phổi, đau nhức xương khớp, da khô nứt nẻ, hạ thân nhiệt, tăng huyếp áp, tim mạch, đột quỵ...
Bác sĩ chuyên khoa 2 Trương Quang Anh Vũ, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, bệnh viện Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh), cho biết thời tiết chuyển lạnh, số lượng bệnh nhân đến thăm khám và điều trị tại bệnh viện gia tăng với các bệnh thường gặp là bệnh lý về đường hô hấp, hen suyễn, tim mạch. Số lượng khám ngoại trú trung bình mỗi ngày hơn 3.500 bệnh nhân, trong đó bệnh nhân mắc các bệnh viêm phổi, hen suyễn, tim mạch chiếm 40%.
Để không bị cảm lạnh, các bác sĩ khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài khi trời lạnh, nên nằm ở những nơi tránh gió và cần phải mặc đủ ấm khi đi ra ngoài như đội mũ, mang tất với chất liệu thoáng nhẹ. Khi ở nhà, phòng ở phải thông thoáng nhưng ấm, không có gió lùa. Bên cạnh đó, cần ăn đủ các thực phẩm giàu chất bột đường, chất đạm, đặc biệt là chất béo giúp cơ thể sinh năng lượng chống lạnh. Đối với các bệnh nhân mắc các bệnh lý mãn tính như hen suyễn, tăng huyết áp, bệnh lý mạch vành, phổi tắc nghẽn… cần phải tuân thủ chế độ điều trị, ăn uống đủ chất, uống đủ nước.