Gần đây dư luận từng xôn xao về nhiều trường hợp phải nhập viện điều trị bệnh lý tâm thần có liên quan đến nghiện mạng xã hội. Đơn cử như cách đây không lâu, một trường hợp được cho là nghiện mạng xã hội nặng đến mức bố mẹ phải “đánh” thuốc mê mới có thể đưa đến Bệnh viện Tâm thần Trung ương để khám. Theo người nhà bệnh nhân, từ chỗ là một học sinh giỏi, nữ sinh N.T.H (18 tuổi, ở Hà Nội) bỗng dưng thay đổi, sống khép mình, không giao lưu với bạn bè, học tập sa sút nghiêm trọng.
Sau khi để ý, gia đình đã phát hiện trong một thời gian dài, nữ sinh này luôn mải mê với chiếc điện thoại; thường xuyên ở trong phòng một mình để sử dụng điện thoại vào mạng xã hội, thậm chí “ôm” điện thoại hàng nhiều giờ liền, quên ăn, quên ngủ. Gia đình đã phải cắt internet để hạn chế việc vào mạng thì bệnh nhân có phản ứng dữ dội, đập phá đồ đạc, cãi lại cả bố mẹ… Quá hoảng sợ, gia đình đã phải cho con uống thuốc mê mới có thể đưa đi bệnh viện khám.
Còn tại Viện sức khỏe tâm thần Quốc gia gần đây cũng từng gặp các trường hợp bệnh nhân có biểu hiện trầm cảm, sống thu mình lại, chỉ thích tự nhốt mình trong phòng chỉ sử dụng điện thoại, lướt web, vào mạng xã hội. Như trường hợp một nam sinh 14 tuổi còn bị co giật, ảo giác khi bị cha mẹ thu điện thoại, ngăn cấm dùng điện thoại vào mạng.
Theo TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, hiện chưa có nghiên cứu nào cho thấy nghiện mạng xã hội dẫn đến các bệnh về tâm thần, tuy nhiên bệnh lý tâm thần lại là nguyên nhân chính khiến người bệnh tìm đến điện thoại và mạng xã hội. Trong quá trình điều trị tại bệnh viện cũng đã có những trường hợp bệnh nhân có biểu hiện nghiện mạng xã hội phải nhập viện, và đằng sau biểu hiện đó là họ có các bệnh lý như tự kỷ, trầm cảm. Đây chính là lý do khiến họ ngại giao tiếp nên tìm đến điện thoại và mạng xã hội như một nơi để tự thể hiện mình và dễ gây nghiện.
Theo các chuyên gia mạng xã hội là thế giới ảo, là nơi người ta có thể mặc sức thể hiện bản thân mà chẳng có những rào cản, thậm chí còn dễ được đồng tình, tán thưởng theo đám đông… Vì thế nó dễ gây nghiện, dễ khiến những người có nét tính cách đặc biệt rời xa cuộc sống thực.
Còn theo BS. Tô Thanh Phương, Phó Giám đốc BV Tâm thần Trung ương 1, ngày càng có nhiều trường hợp trầm cảm có liên quan đến nghiện điện thoại, mạng xã hội, game phải nhập viện. Thường các trường hợp nghiện mạng xã hội sẽ gây nghiện từ từ. Từ chỗ ban đầu thời gian sử dụng thấp, dần dần sẽ tăng tăng lên và khi đã gây nghiện thì chỉ thích ngồi “ôm” chiếc điện thoại, máy tính… xa lánh thế giới bên ngoài. Với những trường hợp có biểu hiện nghiện, trong vòng 6 tháng đầu, người bệnh mới ở giai đoạn cấp tính đã cần thời gian điều trị ít nhất 6 tháng. Nếu để nghiện lâu trên 6 tháng thì thời gian điều trị có thể sẽ phải kéo dài 3- 5 năm...
Nếu việc sử dụng mạng xã hội quá nhiều dẫn đến có tác động tiêu cực đến việc học tập, làm việc thì lúc đó người dùng đã có những dấu hiệu ảnh hưởng đến tâm lý cần phải được kiểm tra để được tư vấn, hỗ trợ. Trước hết là sự tác động của người thân, nếu không hiệu quả có thể cần sự can thiệp của các chuyên gia tâm lý.
Theo các chuyên gia, một số dấu hiệu được coi là dấu hiệu nghiện mạng xã hội đó là khi người dùng đã cố gắng cắt giảm thời gian sử dụng nhưng không thành công, thậm chí còn cảm thấy có một sự thúc giục sử dụng ngày càng nhiều hơn. Có những trường hợp còn có những biểu hiện mạnh hơn như: Cảm thấy bồn chồn, khó chịu, mất kiểm soát khi bị cấm sử dụng mạng xã hội…
Theo các bác sĩ, trong những trường hợp có dấu hiệu nghiện vào mạng xã hội, người thân cần giúp đỡ người bệnh bằng cách hướng dẫn bằng tăng cường các hoạt động vui chơi, giải trí, lao động, học tập một cách khoa học để người bệnh có thể hoàn thiện bản thân, tự tin hơn, giảm bớt nét tính cách trầm cảm, tự ti… từ đó sẽ dễ thoát ra khỏi tình trạng nghiện mạng xã hội quá nhiều hoặc rơi vào trạng thái rối loạn nghiện mạng xã hội. Để tránh rơi vào tình trạng nghiện, cần giới hạn thời gian tiếp xúc với mạng xã hội, chẳng hạn có thể sử dụng tổng thời gian không quá 1 tiếng mỗi ngày.