Theo thông báo của Bộ Khoa học và Giáo dục đại học LB Nga, việc cấy ghép có thể được thực hiện để thay thế mô xương trong trường hợp bị chấn thương hoặc ung thư. Hiện mỗi năm ở Nga có hơn 2.000 ca chấn thương sọ não cần được cấy ghép và có tới 20% trong số đó yêu cầu tái phẫu thuật do khả năng thích ứng thấp hoặc sắp xếp mô cấy không đúng vị trí.
Để giải quyết các vấn đề trong phẫu thuật tái tạo, các nhà khoa học đã đề xuất phương pháp cấy ghép xương hoạt tính sinh học có chứa protein kích thích phát triển xương và protein erythropoietin (tổng hợp hormone trong thận). Các nhà khoa học hy vọng cấu trúc và tính chất cơ học của các mô cấy này sẽ tương ứng với cấu trúc và tính đàn hồi của các loại xương khác nhau.
Các mô cấy được tạo ra từ polyethylen và hydroxylapatite (dạng canxi phosphate tự nhiên có tính tương thích sinh học cao với tế bào và mô) có trọng lượng phân tử cực cao (thành phần khoáng chất của mô xương). Một thành phần kháng khuẩn được đưa vào các lớp trên của mô cấy giúp bảo vệ cơ thể khỏi bị nhiễm trùng tại vị trí cấy ghép và tránh viêm. Phần xốp hoặc phần dưới của mô cấy là các tế bào lấy từ tủy xương của bệnh nhân và các protein kích thích phát triển xương trong khu vực cấy ghép.
Giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu dịch tễ học và vi trùng học Anna Karyagina cho biết kỹ thuật cấy ghép đang được phát triển và có thể được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực khác nhau của phẫu thuật tái tạo: phẫu thuật hàm mặt, phẫu thuật cột sống, chỉnh hình và những phẫu thuật điều chỉnh khiếm khuyết xương, gồm cả phẫu thuật liên quan đến xương dẹt chịu tải trọng yếu hoặc trung bình như xương chậu, xương sọ hoặc xương ống của tứ chi chịu tải nặng. Công nghệ này đã bắt đầu được sử dụng trong thú y.