TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cảnh báo: "Trong ngày Tết, nỗi lo lớn nhất với người mắc đái tháo đường chính là nguy cơ mất kiểm soát đường huyết, bao gồm cả nguy cơ tăng đường huyết, cũng như hạ đường huyết. Với người bệnh đái tháo đường, các thực phẩm ngày Tết thường chứa nhiều chất ngọt, chất béo như: Mứt kẹo, bánh chưng, canh măng móng giò... Đây chính là những thủ phạm dẫn đến các nguy cơ có hại cho sức khỏe người mắc đái tháo đường. Hàng năm, vào dịp Tết nguyên đán, bệnh viện Nội tiết Trung ương thường đón nhận nhiều ca bệnh bị tăng đường huyết phải vào viện nằm điều trị do chế độ ăn uống và sinh hoạt bất hợp lý".
Tuy vậy, trong ngày Tết, người bệnh đái tháo đường cũng không nên kiêng tuyệt đối các thực phẩm này, mà cần phải lưu ý xây dựng chế độ ăn hợp lý.
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng hướng dẫn: Người mắc đái tháo đường nên ăn ổn định số lượng glucid (chất bột đường) trong các bữa ăn phù hợp, lựa chọn các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp (dưới 55%), sử dụng các thực phẩm có nhiều chất xơ (gạo lứt, bánh mỳ nâu, bánh mỳ đen, rau, củ…), hạn chế các thực phẩm ngọt béo, nên phối hợp ăn cùng các món rau luộc, rau trộn…
Người bệnh nên duy trì số lượng bữa ăn, khẩu phần ăn cũng như cảm giác no bụng như trong giai đoạn trước Tết để tránh ăn quá nhiều. Cần hạn chế sử dụng rượu bia, nước ngọt đóng chai; uống đủ nước lọc; tiếp tục duy trì hoạt động thể lực hàng ngày.
Người bệnh nên tránh những bữa ăn lớn, có thể chia thành nhiều bữa nhỏ nếu đường huyết kiểm soát không tốt, nên ăn đủ ba bữa chính và có thêm ít nhất một bữa phụ; đồng thời, không bỏ bữa ăn ngay cả khi ốm hoặc cảm thấy mệt mỏi, không muốn ăn...