Bị suy thận mãn độ 4 kèm xơ gan, bệnh nhân M.S (59 tuổi, quốc tịch Lào) chỉ còn có thể sống tiếp nếu được thay cả gan và thận. Nhập viện trong tình trạng đã suy cả gan và thận lại kèm tiền sử bị đái tháo đường, cao huyết áp, cơ hội sống quá mong manh khi bệnh nhân được xếp vào danh sách chờ ghép tạng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Ngày 17/12, một thanh niên 19 tuổi bị chấn thương sọ não và chết não, gia đình thanh niên này đã đồng ý hiến đa tạng của cậu. Rất may mắn các chỉ số của gan, thận của người hiến hoàn toàn phù hợp với bệnh nhân M.S và ngay lập tức ca ghép đã diễn ra.
Trước tình trạng bệnh phức tạp của bệnh nhân, GS.TS. Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật, quyết định ghép đồng thời cả gan và thận cho ông M.S để tránh các nguy cơ của 2 cuộc mổ liên tiếp.
GS.TS Trần Bình Giang cho biết: Bệnh nhân M.S cũng là bệnh nhân đầu tiên tại Bệnh viện được phẫu thuật ghép gan và thận cùng một lúc. Ca mổ diễn ra trong 12 giờ đồng hồ, với sự tham gia của gần 100 chuyên gia trong lĩnh vực ghép tạng. Trong khi phẫu thuật, các bác sĩ phải thực hiện lọc máu liên tục để thay thế cho quả thận đã bị suy để duy trì sức khỏe cơ thể cho bệnh nhân. Sau những nỗ lực hết sức, ca mổ đã thành công, gan và thận mới ghép đã hoạt động ngay sau đó. Hiện người bệnh đã tự thở, các chức năng gan và thận đã dần phục hồi, bệnh nhân đang được tiếp tục theo dõi, chăm sóc tại Bệnh viện.
Ca ghép thành công đã làm nên một kỳ tích mới của lĩnh vực ghép tạng của Việt Nam. Đặc biệt thực hiện song song trong cùng ca lấy- ghép tạng đó còn có một kỳ tích nữa đó là ca vừa ghép phổi vừa mổ tim hở cho một bệnh nhân nữ 30 tuổi.
Bệnh nhân bị mắc bệnh tim bẩm sinh thông liên nhĩ lỗ lớn, do phát hiện muộn nên bệnh đã chuyển sang giai đoạn cuối từ hơn 3 năm nay, dẫn tới suy tim- phổi, chỉ còn giải pháp ghép phổi và sửa dị tật tim bẩm sinh mới cứu được người bệnh.
Ngay khi có phổi của người hiến phù hợp, các bác sĩ đã quyết định thực hiện ca ghép kết hợp vá thông liên nhĩ, sửa van ba lá cho bệnh nhân. Ca phẫu thuật được xác định rất phức tạp và chứa đựng khá nhiều rủi ro. Tuy nhiên sau 12 giờ nỗ lực, các bác sĩ đã thực hiện thành công. Ngay sau khi ghép, lá phổi mới đã hoạt động trở lại, các thông số huyết động và hô hấp đã lập tức trở lại kỳ diệu như người có phổi bình thường.
“Thành công của ca ghép phổi đặc biệt này cũng có ý nghĩa rất lớn, mở ra cơ hội cho nhiều người bệnh còn trẻ ở Việt Nam. Việc điều trị bằng phương pháp sửa dị tật tim và ghép phổi đồng thời cho kết quả sớm cũng như lâu dài, tốt hơn nhiều so với phương pháp ghép tim và phổi cùng lúc”, GS. Trần Bình Giang cho biết.