Kết quả siêu âm bụng cho thấy, bệnh nhi có khối nước rất lớn và chiếm toàn bộ ổ bụng, tại vị trí to nhất đường kính lên đến 80cm. Ngoài ra, trên siêu âm không thấy thận phải của bé, không thấy dấu hiệu hoạt động của đài – bể thận và niệu quản bên phải.
Từ kết quả trên, các bác sĩ đưa ra kết luận bé gái mắc thận ứ nước khổng lồ, nghi ngờ do hẹp khúc nối bể thận – niệu quản bẩm sinh.
Ngay khi có kết quả chẩn đoán, các bác sĩ đã lên kế hoạch phẫu thuật cho bệnh nhi nhằm sớm giải phóng tình trạng tắc nghẽn, hy vọng cứu quả thận còn lại bên phải. Gần hai giờ phẫu thuật, kíp mổ đã chuyển lưu 1,5 lít nước tiểu ra da, giảm được áp lực tối đa cho thận còn lại. Sau phẫu thuật, bệnh nhi dần hồi phục, chức năng thận đã cải thiện. Bên cạnh đó, khối nước giải phóng đã giúp bé giảm một kg cân nặng, bụng xẹp, ăn uống và thở trở nên dễ dàng.
Ghi nhận từ người nhà, bệnh nhi đã được chẩn đoán bị thận ứ nước khi còn trong bào thai qua siêu âm thai kỳ. Tuy nhiên, do chủ quan nên gia đình không thường xuyên theo dõi sau sanh, khi bé có những triệu chứng trở nặng, mệt mỏi, chán ăn và bụng ngày càng to nên gia đình mới đưa đến bệnh viện thăm khám.
Theo TS.BS Phạm Ngọc Thạch, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, hằng năm, bệnh viện tiếp nhận và điều trị khoảng hơn 100 trường hợp trẻ mắc bệnh thận ứ nước. Ứ nước thận gây áp lực lên thận, làm ảnh hưởng đến khả năng lọc và loại bỏ chất thải của thận lâu dài. Điều này có thể làm suy giảm chức năng thận và ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ, tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng do các bất thường bẩm sinh như hẹp đoạn nối của thận vào niệu quản. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến của ứ nước thận ở trẻ em. Việc phát hiện sớm và giải quyết tắc nghẽn là giải pháp duy nhất nhằm bảo tồn chức năng thận.
Các bác sĩ khuyến cáo, siêu âm tiền sản giúp phát hiện nhiều dị tật bẩm sinh trong bào thai, trong đó có thận ứ nước. Tuy nhiên, khi thấy con trẻ đi tiểu bình thường, tâm lý phụ huynh thường bỏ qua. Mỗi người đều có hai quả thận. Một quả thận bị bệnh thì quả thận còn lại phải “gồng gánh” chức năng cho đến khi quá tải. Do đó, để tránh những hệ lụy không mong muốn trong quá trình điều trị thận ứ nước, cũng như các bệnh lý thận khác cho trẻ, phụ huynh nên đưa trẻ đến các cơ sở y khoa để được kiểm tra. Đặc biệt, đối với trẻ đã được phát hiện thận ứ nước từ trong bào thai, cần thường xuyên đến các cơ sở y tế để được theo dõi và được can thiệp thời khi cần thiết.