Giáo sư Kartik Chandran thuộc trường Đại học Y Albert Einstein ở thành phố New York (Mỹ) cho biết ông và các đồng nghiệp đã xác định được "Gót chân Achilles" của Ebola, sau khi nghiên cứu kháng thể lấy từ cơ thể một bệnh nhân sống sót sau đại dịch Ebola ở Tây Phi. Đây là lần đầu tiên giới khoa học tin rằng họ đã xác định được một loại kháng thể có thể được sử dụng để bào chế vaccine phòng ngừa cả ba chủng virus Ebola ở người, thay vì chỉ một chủng như hiện nay.
Theo Giáo sư Kartik Chandran, các nhà nghiên cứu đã phân tích kháng thể hoạt động hiệu quả đối với hai chủng virus Ebola. Họ có thể xác định rõ ràng phần virus mà kháng thể nhắm mục tiêu tới và nhận thấy rằng nó đã sử dụng "vật liệu ngụy trang" để có thể xâm nhập chủng virus Ebola thứ 3 được biết đến ở người.
Dịch Ebola có thể gây tử vong cho 90% số bệnh nhân mắc bệnh nếu không được điều trị. Căn bệnh này đã cướp đi sinh mạng của hơn 11.000 người trong hai năm 2014 và 2015 ở Tây Phi - khu vực bùng phát bệnh xuất huyết nghiêm trọng nhất. Theo Giáo sư Chandran, do nhiều động vật mang các biến thể của virus có thể lây truyền sang con người, nên dịch bệnh Ebola rất khó dự đoán. Vì vậy, việc phát hiện một kháng thể chống lại được tất cả các chủng virus Ebola có thể mở đường cho phương pháp điều trị cho căn bệnh này.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Ebola là căn bệnh do virus với các triệu chứng ban đầu như: sốt đột ngột, đau cơ, đau họng. Sau đó người bệnh bị nôn mửa, tiêu chảy, một số trường hợp có thể bị xuất huyết cả bên trong và bên ngoài.
Căn bệnh này lây nhiễm thông qua tiếp xúc gần gũi với động vật bị nhiễm bệnh. Tiếp đó, virus sẽ lây lan từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch cơ thể hoặc nội tạng nhiễm bệnh, hay lây gián tiếp qua môi trường ô nhiễm. Thời kỳ ủ bệnh kéo dài từ 2 ngày đến 3 tuần và rất khó để chẩn đoán bệnh.