Hướng dẫn các bệnh viện sử dụng thuốc thay thế trong điều trị bệnh tay chân miệng

Từ đầu tháng 9/2020 đến nay, số trẻ nhập viện điều trị bệnh tay chân miệng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có dấu hiệu gia tăng, báo hiệu mùa dịch sắp bắt đầu.

Tuy nhiên, những ngày gần đây, thông tin các bệnh viện không còn thuốc Phenobarbital - một loại thuốc quan trọng trong phác đồ điều trị bệnh tay chân miệng thể nặng khiến nhiều người dân lo lắng. Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, Phenobarbital không phải là thuốc duy nhất điều trị tay chân miệng, có thể sử dụng nhiều loại thuốc khác thay thế. 

Chú thích ảnh
Một bệnh nhi mắc tay chân miệng được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2. 

Bệnh tay chân miệng “đến hẹn lại lên”

Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh, trong hai tuần trở lại đây, số ca nhập viện điều trị tay chân miệng có xu hướng gia tăng. Bác sỹ Trương Hữu Khanh, Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, nếu trong tháng 8/2020 bệnh viện không tiếp nhận trường hợp nào mắc bệnh thì những ngày đầu tháng 9 đã có 10 trẻ phải nhập viện. Qua hai tuần, số trẻ nhập tăng dần lên con số 20 và hiện đang điều trị cho 30 trẻ. Đáng chú ý là bắt đầu có những ca nặng ở độ 2B và độ 3. Bác sỹ Khanh nhận định, mới chỉ tháng đầu tiên của mùa dịch đã có ca nặng thì trong vài tháng tới, khi dịch đạt đỉnh, chắc chắn số ca mắc nặng sẽ nhiều hơn.

Tương tự, một số bệnh viện khác cũng ghi nhận tình trạng bệnh nhi nhập viện do bệnh tay chân miệng gia tăng. Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, hiện có khoảng 40 ca bệnh mắc tay chân miệng điều trị nội trú, số ca điều trị ngoại trú cũng đang có dấu hiệu tăng dần trong hai tuần gần đây.

Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, trong tháng 9/2020, trung bình mỗi tuần có từ 400-600 trẻ trên địa bàn mắc bệnh tay chân miệng. Đỉnh điểm, trong tuần cuối tháng 9, toàn thành phố có 640 ca bệnh nhập viện. Từ đầu năm đến nay, Thành phố ghi nhận 6.358 ca tay chân miệng.

Theo các bác sỹ, thời điểm trẻ bắt đầu tựu trường cũng là lúc virus gây bệnh tay chân miệng lây lan ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Đặc biệt, trẻ trong độ tuổi mẫu giáo, nhà trẻ là đối tượng dễ mắc tay chân miệng nhất.

Bác sỹ Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lưu hành hàng năm trên địa bàn. Bệnh thường bùng phát theo mùa, mỗi năm Thành phố đón nhận hai đợt đỉnh dịch thường vào tháng 4 và tháng 11. Mặc dù năm nay số ca mắc tay chân miệng cả nội trú lẫn ngoại trú đều thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ các năm trước nhưng từ giữa tháng 9 đến nay bắt đầu có sự gia tăng đáng kể. Do đó, người dân tuyệt đối không được chủ quan với bệnh truyền nhiễm này.

Sử dụng thuốc thay thế Phenobarbital trong điều trị tay chân miệng

Mặc dù số ca mắc tay chân miệng đang ngày càng gia tăng, tuy nhiên thông tin từ các bệnh viện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, thuốc Phenobarbital – một “vũ khí” lợi hại để điều trị chứng co giật khi mắc tay chân miệng nặng đã không còn. Bác sỹ Trương Hữu Khanh - Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, Phenobarbital là thuốc tiêm đường tĩnh mạch nằm trong phác đồ điều trị bệnh tay chân miệng của Bộ Y tế, được dùng khi bệnh nhi mắc bắt đầu trở nặng (độ 2A, độ 2B trở lên) để xử lý tình trạng co giật của trẻ. Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, đến ngày 27/9 đã sử dụng hết số thuốc Phenobarbital có sẵn và không thể tiếp tục nhập về.

Cũng như Bệnh viện Nhi đồng 1, tại một số bệnh viện khác như Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố và các bệnh viện quận, huyện, thuốc Phenobarbital đã gần như cạn kiệt hoặc còn rất ít. 

Bác sỹ Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Sở đã báo cáo Bộ Y tế và nhận được thông tin nguồn cung thuốc Phenobarbital trên thế giới tạm thời bị “đứt hàng” do các doanh nghiệp dược phẩm ngưng sản xuất. Để ứng phó, Sở Y tế đã hướng dẫn các bệnh viện sử dụng các loại thuốc thay thế trong điều trị tay chân miệng trong khi chờ có thuốc Phenobarbital. “Các bệnh viện có thể sử dụng các thuốc khác sẵn có như Diazepam, Midazolam để thay thế, hoàn toàn không có chuyện không có Phenobarbital thì không có thuốc điều trị tay chân miệng”, bác sỹ Nguyễn Hữu Hưng khẳng định.

Tuy nhiên, các bác sỹ cũng cảnh báo phụ huynh có con nhỏ cần hết sức phòng tránh nguy cơ trẻ mắc tay chân miệng trong thời điểm này. Do đây là bệnh truyền nhiễm chưa có vắc-xin phòng ngừa cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên biện pháp “kinh điển” nhất vẫn là vệ sinh phòng bệnh. Rửa tay, vệ sinh nhà cửa, thường xuyên rửa đồ chơi, khử khuẩn nắm cửa, các bề mặt… là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh tay chân miệng ở trẻ.

Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám, cho trẻ nghỉ học để hạn chế lây cho trẻ khác. Nếu trẻ có một trong các dấu hiệu như sốt cao liên tục, giật mình, chới với khi ngủ, run tay chân, đi đứng loạng choạng không vững, nôn ói liên tục, da xanh tái, thở mệt... cần phải ngay lập tức đưa đến các cơ sở y tế để được điều trị bởi trẻ đang có dấu hiệu chuyển nặng.

Tin, ảnh: Đinh Hằng (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh cảnh báo trẻ mắc bệnh tay chân miệng gia tăng
TP Hồ Chí Minh cảnh báo trẻ mắc bệnh tay chân miệng gia tăng

Từ đầu tháng 9 đến nay, số ca mắc bệnh tay chân miệng phải nhập viện đang có xu hướng gia tăng. Đây là bệnh chưa có vắc xin phòng ngừa cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN