Chỉ muốn chết để khỏi đau khổ
Sau vụ việc một trẻ sơ sinh bị sát hại tại Thạch Thất (Hà Nội), trên các trang mạng xã hội, nhiều chị em bày tỏ sự sẻ chia, kêu gọi sự thông cảm đối với người mẹ bị trầm cảm sau sinh nên đã ra tay sát hại con mình. Bên cạnh đó, họ còn chia sẻ về căn bệnh trầm cảm sau sinh mà nhiều người từng mắc phải.
Tâm sự với phóng viên báo Tin Tức, chị Nguyễn Thu Hoài, quận Hoàng Mai, Hà Nội, cũng cho biết: “Mang thai bé thứ hai lại là con gái, nên tôi bị stress ngay trong 6 tháng cuối của thai kỳ. Hôm sinh bé, lúc nằm trong phòng mổ, tôi đã khóc sưng húp cả mắt vì thấy tủi thân, thương con gái nhỏ từ trong bào thai đã không được mọi người trong gia đình chào đón”.
Khóc nhiều, stress, mệt mỏi… nên chị Hoài sau đó có rất ít sữa và rồi mất cả sữa cho con bú. Đã vậy, các chị chồng lại chì chiết: Mất sữa là do bản thân không biết cách, chứ chẳng mẹ nào mà không có sữa; con yếu là do mẹ, ai bảo suy nghĩ mà mất cả sữa, không nghĩ đến con… Buồn nhất là thấy vợ sinh con gái, anh Minh, chồng chị Hoài, cũng rầu rĩ, mượn cớ đi làm tối ngày, hầu như không đoái hoài gì đến 2 mẹ con.
“Khổ nhất là thiếu sữa nên con gái bị thiếu chất, cháu bị suy dinh dưỡng. Ngày nào cũng vậy, cháu khóc suốt từ 10 giờ đêm đến sáng; ban ngày cháu cũng ngủ rất ít. Tháng đầu, mẹ đẻ tôi còn lên chăm cháu giúp; sau đó, thì một mẹ một con, cả ngày lặng lẽ ngồi ôm con, chăm ăn chăm ngủ mà con vẫn suy dinh dưỡng. Tôi vô cùng căng thẳng, thấy mình là người mẹ cô đơn, vô dụng nên giai đoạn đó đã có lúc tôi chỉ muốn chết đi để khỏi phải sống đau khổ”, chị Hoài chia sẻ.
Theo TS.BS Nguyễn Văn Dũng, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, gần đây, trường hợp rối loạn tâm thần khi mang thai và sau thời kỳ sinh nở có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên,tại Việt Nam đến nay cũng chưa có một con số cụ thể nào về tỷ lệ các bà mẹ trầm cảm trước và sau sinh.
“Theo một số nghiên cứu, khoảng 60% thại phụ có rối loạn cảm xúc, trong đó khoảng 5 – 7% bà mẹ trầm cảm sau sinh cần phải điều trị”, TS.BS Nguyễn Văn Dũng, cho biết.
Chuyên gia tâm thần cũng cho biết nguyên nhân dẫn đến trầm cảm sau sinh có nhiều, song cần phải kể đến việc rối loạn một số chất chuyển hóa axít amin trong cơ thể, tác động đến não bộ và khiến bệnh nhân rối loạn biểu hiện về cảm xúc. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác, ảnh hưởng đến tâm lý của người mẹ như sinh con một bề, con dị tật, sang chấn tâm lý do tác động từ bố mẹ, gia đình, tình cảm vợ - chồng, hoàn cảnh kinh tế…
“Sự thiếu quan tâm, chia sẻ của người chồng và những người thân trong gia đình là một sức ép lớn đối với các bà mẹ. Khi con trẻ quấy khóc, mẹ không có sữa sẽ khiến bệnh nhân bị rối loạn lo âu. Lúc đó, người mẹ lại mất ngủ, cơ thể càng suy kiệt, trạng thái mệt mỏi này sẽ khiến mẹ chán ăn, tình trạng này kéo dài như một vòng luẩn quẩn khó gỡ”, TS.BS Nguyễn Văn Dũng khuyến cáo.
Vậy nên, sau sinh, nhiều bà mẹ có biểu hiện mệt mỏi ngày càng tăng, không thiết đến các sở thích vốn có, hay lo âu, than vãn về sức khỏe, hoặc kể lể về sự khó khăn trong chăm sóc con trẻ. Đặc biệt, nếu bị áp lực từ gia đình chồng thì các thai phụ lại càng dễ bị bùng nổ về cảm xúc.
Triệu chứng rõ nhất là người mẹ không ngủ được, giảm hứng thú với mọi việc, không thích cưng nựng con… nặng hơn là khóc lóc, kể lể và không quan tâm đến con trẻ. Một số bà mẹ có những biểu hiện loạn thần sau sinh còn muốn tự tử, thậm chí thù hằn, có hành vi hủy hoại đứa con vì cho rằng đó là nguyên nhân của mọi việc.
“Hiện tại , kinh tế phát triển, vấn đề trầm cảm sau sinh được biết đến hơn nhưng nhiều gia đình vẫn không quan tâm, cho rằng đây là việc bình thường. Đáng nói, không ít gia đình còn cúng ma hoặc mua thuốc nam, thuốc bổ… cho người mẹ uống, chỉ khi không thể điều trị tại nhà nữa thì mới đưa đến viện điều trị”, TS.BS Nguyễn Văn Dũng khuyến cáo.
Quan trọng là sự quan tâm, chia sẻ của người chồng
Theo các chuyên gia y tế, mỗi lần sinh nở là một lần người phụ nữ phải vượt qua thử thách và có những thay đổi toàn bộ về vóc dáng lẫn tâm sinh lý. Do đó, muốn những thay đổi này không gây rối loạn tâm thần cho các bà mẹ thì các gia đình, nhất là người chồng cần phải nhận thức được rằng quá trình sinh đẻ là vô cùng vất vả, người mẹ cần tạo được chăm sóc, tạo điều kiện về chế độ dinh dưỡng, thời gian nghỉ ngơi để có thể dễ dàng hơn trong quá trình thai kỳ, nuôi dưỡng trẻ nhỏ.
Cụ thể, trong quá trình mang thai, nếu vợ có biểu hiện mất ngủ, bực tức, cáu giận, chán nản thì người chồng cần chia sẻ, cùng tìm nguyên nhân để tháo gỡ. Nếu thai phụ tiếp tục có những biểu hiện trầm trọng hơn như lo lắng, chán nản, không quan tâm đến thai nhi thì cần được đưa đến chuyên khoa tâm thần để được tư vấn kịp thời.
Sau khi em bé chào đời, những người thân, đặc biệt là người chồng cần thương xuyên nói chuyện, chia sẻ với người mẹ để giúp họ vơi bớt âu lo. Chú ý, nếu con trẻ quấy khóc ngày một nhiều, người mẹ mất ngủ, bực tức, khó chịu thì cần động viên và đưa mẹ đi khám ngay. Như vậy, người mẹ sẽ tránh được giai đoạn bệnh nặng với các biểu hiện lo lắng, hoang tưởng, luôn nghĩ có người theo dõi, hoặc trầm cảm nghĩ đến cái chết...
“Phương pháp điều trị trầm cảm trong quá trình mang thai và sau sinh khác nhau. Đặc biệt, nếu bệnh nhân đến sớm thì hiệu quả điều trị sẽ tốt hơn rất nhiều so với việc bệnh ở trong giai đoạn nặng. Lưu ý, khi thấy người mẹ mệt mỏi, buồn, lo lắng, mất ngủ thì cần dến bác sĩ chuyên khoa thần kinh, không dùng thuốc nam, hay cúng bái … để chữa bệnh”, TS.BS Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh.