Tình trạng thiếu vaccine trên đã khiến không chỉ người dân, mà ngay cả ngành y tế cũng lo lắng, vì hiện nay, nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm ở trẻ có nguy cơ tái bùng phát.
Hàng chục ngàn trẻ em “thấp thỏm” chờ vacine miễn phí
Sáng 14/12, chị Hồng Vân (huyện Bình Chánh) đưa con đến Trạm y tế xã Phong Phú (huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) để tiêm vaccine 5 trong 1 theo quy định, nhưng đành phải ra về vì vỉ còn vaccine dịch vụ.
“Tháng trước, tôi cũng đưa con tới trạm, nhưng cũng phải ra về vì hết vaccine. Nghĩ tháng này sẽ này có, nhưng cũng đành thất vọng trở về. Cán bộ y tế ở trạm có hướng dẫn, nếu không chờ được thì tiêm vaccine dịch vụ, một mũi tầm hơn 900.000 đồng. Tôi không có tiền, nên lại phải đưa con về và đợi vaccine miễn phí", chị Hồng Vân nói.
Tương tự, chị Minh Ngọc cũng thất vọng đưa con về vì vaccine miễn phí tại trạm đã hết, chỉ còn vaccine dịch vụ. “Thật sự khó khăn, nên tôi mới phải chờ đợi để tiêm vaccine miễn phí cho con, nếu có tiền thì tôi đã ráng cho con đi tiêm dịch vụ để phòng bệnh. Không biết khi nào mới có vaccine miễn phí trở lại!”, chị Minh Ngọc than thở.
Trước thông tin nhiều dịch bệnh nguy hiểm ở trẻ có thể bùng phát lại do thiếu vaccine như ho gà, bạch hầu, uốn ván… nên nhiều phụ huynh lo lắng, đành phải “bấm bụng” đưa con đi tiêm vaccine dịch vụ. Chị Kim Liên (ngụ thành phố Thủ Đức) cho biết: “Bé nhà tôi 3 tháng rồi, nhưng chưa được tiêm vaccine 5 trong 1. Gọi điện thoại lên trạm nhiều lần, đều nhận được thông báo là chờ khi nào có vaccine sẽ gọi báo. Tôi không biết chờ đến khi nào, nên cũng đành gom góp tiền đưa bé tiêm vaccine dịch vụ để phòng bệnh”.
Dược sĩ Lê Thị Mộng Dung, Phó trạm Trưởng Trạm y tế xã Phong Phú (huyện Bình Chánh) cho biết, trạm đang quản lý khoảng hơn 12.000 trẻ đăng ký tiêm chủng mở rộng. Gần hai tháng nay, hầu hết các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại trạm đã hết. Khi phụ huynh đưa trẻ tới, trạm sẽ hướng dẫn đăng ký thông tin. Khi nào có vaccine trở lại, trạm sẽ gọi thông báo đến tiêm, hoặc nếu không đợi được, trạm sẽ hướng dẫn phụ huynh tiêm vaccine dịch vụ.
Tương tự, đại diện Trạm y tế phường Phước Long A (thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) cũng cho hay, hiện trạm chỉ còn vaccine viêm não Nhật Bản, còn các loại vaccine khác trong chương trình tiêm chủng mở rộng đã hết từ hai tháng trước. Trạm hướng dẫn phụ huynh đưa trẻ đến cơ sở dịch vụ tiêm vaccine hoặc lập danh sách phụ huynh chờ để tiêm vaccine.
Bà Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, qua thống kê trên địa bàn, Thành phố ghi nhận có 2.871 trẻ (dưới 1 tuổi) chưa được tiêm đủ 3 mũi vaccine 5 trong 1; 3.362 trẻ chưa được tiêm mũi sởi thứ nhất. Đối với trẻ trên 1 tuổi, có 8.882 trẻ chưa được tiêm mũi sởi thứ 2; 18.084 trẻ chưa được tiêm mũi nhắc bạch hầu, uốn ván, ho gà vào thời điểm 18 tháng.
Nguy cơ nhiều dịch bệnh tái phát
Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, hàng chục năm qua, chưa bao giờ vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng lại thiếu như bây giờ.
Ngay khi có tình trạng khan hiếm vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng, Sở đã tham mưu cho UBND TP Hồ Chí Minh và có văn bản gửi tới Bộ Y tế.
Theo đại diện Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, hiện Thành phố đã hết 6 loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Trong đó, vaccine bạch hầu - ho gà - uốn ván; vaccine viêm gan B, sởi, bại liệt tiêm hết từ đầu tháng 9; vaccine sởi - rubella, vaccine 5 trong 1 hết từ đầu tháng 11; hai loại vaccine bại liệt uống, vaccine lao đã hết vào cuối tháng 11; còn vaccine uốn ván dự kiến sẽ hết vào giữa tháng 12 và vaccine viêm não Nhật Bản (Jevax) sẽ hết vào đầu tháng 1/2024.
Bà Lê Hồng Nga cho biết, nếu không nhận được nguồn cung ứng vaccine nào từ phía Bộ Y tế, vaccine tiêm chủng mở rộng của Thành phố sẽ hết hoàn toàn trong thời gian tới.
“Việc gián đoạn cung ứng vaccine kéo dài sẽ gây nhiều ảnh hưởng. Cụ thể, đối với mỗi trẻ không được tiêm chủng đầy đủ, sẽ có nguy cơ mắc bệnh rất cao. Nếu như cả một cộng đồng không được tiêm vaccine đầy đủ thì tỉ lệ bao phủ vaccine sẽ giảm xuống, dẫn đến nguy cơ bị mắc nhiều loại bệnh. Các bệnh sởi, bạch hầu, ho gà… cũng có khả năng bùng phát nếu không có vaccine trong thời gian tới”, bà Lê Hồng Nga nhận định.
Về nguyên nhân thiếu hụt vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng, chiều 15/12, bà Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) cho biết, trong giai đoạn năm 2016 – 2022, chương trình tiêm mở rộng được bố trí kinh phí mua vaccine từ nguồn chương trình mục tiêu Y tế - Dân số. Ngoài nguồn mua vaccine theo hình thức hoạt động của dự án, vaccine được hỗ trợ từ Tổ chức GAVI và các tổ chức nước ngoài khác viện trợ.
Tuy nhiên, những năm gần đây, GAVI và các tổ chức quốc tế có sự chuyển dịch cách thức hỗ trợ, do Việt Nam nằm ngoài danh sách các nước có thu nhập thấp, kinh tế kém phát triển, một số loại vaccine viện trợ cần phải đối ứng sau khi tiếp nhận.
Năm 2023, thực hiện Luật Ngân sách, các địa phương phải thực hiện các thủ tục mua sắm vaccine từ ngân sách của địa phương, tuy nhiên gặp khó khăn trong việc bố trí, phê duyệt kinh phí, vướng mắc thủ tục đấu thầu, phê duyệt giá cũng như kinh nghiệm triển khai...
Trước yêu cầu thực tiễn, tháng 7/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết giao kinh phí để Bộ Y tế thực hiện mua tập trung các loại vaccine.
Để giải quyết căn cơ tình trạng thiếu vaccine, đại diện Bộ Y tế cho biết đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham mưu sửa đổi Nghị định của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng. Trong đó, cho phép bố trí ngân sách trung ương để đảm bảo kinh phí mua vaccine cho chương trình tiêm chủng mở rộng.
Dự kiến, việc mua sắm các vaccine đặt hàng trong nước (10 loại) sẽ hoàn thành trong tháng 12/2023, theo số lượng tỉnh, thành phố đề xuất nhu cầu đến tháng 6/2024. Theo đó, Bộ Y tế sẽ đảm bảo hoạt động cung ứng vaccine năm 2024 trong chương trình tiêm chủng mở rộng, đáp ứng nhu cầu của người dân hiện nay.
Đại diện Bộ Y tế cũng cho biết thêm, nếu được giao ngân sách sớm hơn, Bộ sẽ sớm tiến hành đặt hàng, hoặc đấu thầu mua vaccine cho chương trình tiêm chủng mở rộng theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Bộ Y tế cũng sẽ rà soát nguồn vaccine, tích cực làm việc với các nhà tài trợ trong nước và nước ngoài hỗ trợ nguồn lực cho chương trình tiêm chủng mở rộng.
Tối ngày 15/12/2023, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã nhận 490.600 liều vaccine DPT-VGB-Hib (SII), do Chính phủ Úc viện trợ tại sân bay Nội Bài.
Với số lượng vaccine này, các địa phương sẽ triển khai theo thứ tự ưu tiên và Chương trình Tiêm chủng mở rộng sẽ cấp vaccine phù hợp với số đối tượng trẻ tại các tỉnh/thành phố. Vaccine sẽ được cung ứng tới 63 tỉnh/thành phố đặc biệt cho các tỉnh miền múi, vùng sâu vùng xa. Dự kiến số vaccine này đủ sử dụng từ 1-2 tháng tới.