Hai đối tượng được điều trị lao tiềm ẩn không cần xét nghiệm 

Lao tiềm ẩn là tình trạng cơ thể người có đáp ứng với trực khuẩn lao nhưng chưa có dấu hiệu lâm sàng hoặc xét nghiệm nào cho thấy bệnh lao hoạt động.

Hiểu theo cách đơn giản, vi khuẩn lao đang ngủ yên trong cơ thể người mắc lao tiềm ẩn. Mặc dù không có triệu chứng nhưng người mắc lao tiềm ẩn có nguy cơ chuyển sang lao hoạt động và gây lây truyền trong cộng đồng. Chính vì vậy, điều trị triệt để lao tiềm ẩn là một yếu tố quan trọng trong quy trình thanh toán bệnh lao.

Hiện trên thế giới và Việt Nam gánh nặng bệnh lao vẫn là một vấn đề của sức khỏe cộng đồng. Về mặt lâm sàng có thể chia những bệnh nhân nhiễm vi khuẩn lao thành hai nhóm chính: lao tiềm ẩn và lao hoạt động (hay lao tiến triển). Trong đó, lao hoạt động là bệnh với những biểu hiện, triệu chứng lâm sàng rõ rệt còn lao tiềm ẩn không phải là bệnh, không có biểu hiện, triệu chứng lâm sàng của lao hoạt động nhưng có nguy cơ chuyển sang thể hoạt động.

Vi khuẩn lao sau khi đi vào đường hô hấp sẽ bị các đại thực bào (macrophage) giữ lại, ở người có sức đề kháng tốt, vi khuẩn lao sẽ bị tiêu diệt hoặc tồn tại ở dạng "ngủ đông"- không hoạt động. Khi hệ miễn dịch suy yếu, những vi khuẩn lao "ngủ đông" này sẽ vùng lên hoạt động và gây bệnh.

Người mắc lao tiềm không có triệu chứng lâm sàng, X-quang phổi đa số là bình thường và không lây cho người khác. Theo thống kê của CDC Hoa Kỳ năm 2020, nếu không được điều trị thì 5-10% người mắc lao tiềm ẩn sẽ tiến triển thành bệnh lao trong suốt cuộc đời của họ. Riêng đối với những người suy giảm miễn dịch thì có đến 10% tiến triển thành lao hoạt động trong vòng 1 năm.

Việc xét nghiệm và điều trị lao tiềm ẩn nên tập trung trên một số đối tượng nguy cơ như: người nhiễm HIV; người có tiếp xúc hộ gia đình với bệnh nhân lao phổi; nhân viên y tế khám và chăm sóc bệnh nhân lao; nhân viên làm việc tại các trại giam và trại giáo dưỡng; bệnh nhân đái tháo đường; suy thận, chạy thận nhân tạo; bệnh nhân cấy ghép tạng hoặc chuẩn bị ghép tạng; người sử dụng thuốc ức chế miễn dịch kéo dài (corticosteroid), thuốc sinh học.

Hiện tại có 2 đối tượng được điều trị lao tiềm ẩn mà không cần xét nghiệm là trẻ em dưới 5 tuổi có tiếp xúc hộ gia đình với bệnh nhân lao và bệnh nhân HIV ở mọi lứa tuổi.

Nhà nước luôn khuyến khích các đối tượng nguy cơ đi tầm soát và cấp phát thuốc điều trị miễn phí nếu phát hiện nhiễm lao tiềm ẩn. Nhưng thực tế, người dân vẫn còn ngại và sợ phải đi khám lao hay uống thuốc lao; sợ bị kì thị khi người khác biết mình uống thuốc lao… Tuy nhiên việc điều trị lao tiềm ẩn mang lại lợi ích rất lớn cho cả cá nhân và cộng đồng.

Người mắc lao tiềm ẩn nếu không được điều trị có thể chuyển thành thể lao hoạt động và trở thành nguồn lây bệnh cho chính người thân, bạn bè, mọi người xung quanh, từ đó làm tăng gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Việc điều trị, giúp người mắc lao tiềm ẩn tránh được những hậu quả nặng nề lên sức khỏe khi bị lao hoạt động. Phác đồ điều trị lao tiềm ẩn ít thuốc hơn, từ đó tác dụng phụ ít hơn, tiết kiệm chi phí hơn.

TTXVN/Báo Tin tức
Trẻ em - Đối tượng dễ bị tác động bởi bệnh lao
Trẻ em - Đối tượng dễ bị tác động bởi bệnh lao

Trẻ em là đối tượng dễ bị tác động bởi bệnh truyền nhiễm đặc biệt là bệnh lao, căn bệnh có thể lây truyền qua đường hô hấp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN