Theo đó, đối với ca bệnh nghi ngờ, ca bệnh xác định mắc COVID-19 cần được phân loại, đánh giá nguy cơ, chẩn đoán, đánh giá mức độ lâm sàng để phân luồng, chuyển tuyến, tiếp nhận, điều trị kịp thời.
Người bệnh đến khám chữa bệnh phải được sàng lọc kỹ, đặc biệt lưu ý hỏi về lịch sử tiêm chủng vaccine COVID-19 (thực hiện 100% đối với người bệnh phải nhập viện, ghi nhận tại phiếu khám vào viện). Các cơ sở khám chữa bệnh sắp xếp luồng di chuyển, khu vực khám, buồng bệnh ưu tiên để bảo vệ nhóm nguy cơ cao gồm: Người trên 50 tuổi, mắc bệnh nền, chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vaccine phòng COVID-19.
Mỗi cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 sẵn sàng điều trị 2 tầng để xử trí cấp cứu, điều trị người mắc COVID-19 chuyển độ. Việc tiếp nhận bệnh nhân nặng, nguy kịch yêu cầu tất cả các bệnh viện không được từ chối, đảm bảo người bệnh được chuyển đến cấp cứu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gần nhất, sau khi ổn định, bệnh viện thực hiện khám, phân loại mức độ bệnh, đánh giá nguy cơ để phân luồng đến nơi điều trị phù hợp.
Các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị, trang phục phòng hộ cá nhân; rà soát lại cơ sở hạ tầng, hệ thống oxy (bình, bồn, chai, thiết bị phụ trợ) bảo đảm tồn trữ và cung cấp oxy y tế cho người bệnh từ tuyến cơ sở đến các bệnh viện theo phân tầng điều trị.
Là đơn vị được phân công điều trị F0 thuộc tầng 3, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) đã tiếp nhận điều trị cho hơn 1.200 bệnh nhân mắc COVID-19. Đến nay, 946 người đã ra viện, 89 ca phải chuyển viện. Theo báo cáo của Bệnh viện, 100% bệnh nhân COVID-19 tử vong tại Bệnh viện Thanh Nhàn đều có bệnh lý nền, 96% chưa tiêm vaccine COVID-19 và 82% ở độ tuổi trên 70.
Số liệu thống kê toàn thành phố Hà Nội, đến 17 giờ ngày 25/12, Hà Nội có 17.686 trường hợp F0 đã khỏi bệnh, 108 trường hợp đã tử vong. So với trung bình 7 ngày trước, số ca bệnh mới tăng 0,16%, số ca khỏi giảm 0,18%, số ca tử vong giảm 0,38%, số ca đang điều trị tăng 0,41%, số ca nặng tăng 0,52%.