Dinh dưỡng đầu đời - Bài 1: Chế độ ăn uống ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ

Dinh dưỡng của trẻ dưới 1 tuổi có ý nghĩa quan trọng và ảnh hưởng tới sức khỏe, quá trình phát triển của trẻ trong năm đầu đời. Nếu trẻ được chăm sóc nuôi dưỡng đầy đủ, hợp lý sẽ phát triển tốt, ít ốm đau bệnh tật và ngược lại, trẻ sẽ ốm yếu, kém phát triển nếu dinh dưỡng không hợp lý.

Chú thích ảnh
Điểm cân, đo và cho trẻ uống Vitammin A trạm y tế phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Chế độ dinh dưỡng thiếu hợp lý

Chế độ ăn uống kém chất lượng là nguyên nhân dẫn tới 3 dạng thức suy dinh dưỡng (thiếu dinh dưỡng, đói tiềm ẩn và thừa cân) đang ngày càng phổ biến ở các cộng đồng trên thế giới. Chế độ ăn uống nghèo nàn, không đa dạng và thiếu hợp lý trong những năm đầu đời chính là nguyên nhân cản trở sự tăng trưởng và phát triển khỏe mạnh của trẻ.

Theo báo cáo “Tình hình trẻ em thế giới năm 2019” của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF): Chế độ dinh dưỡng nghèo nàn là nguyên nhân dẫn đến suy dinh dưỡng ở trẻ em nhỏ trong thời kỳ thơ ấu. Cụ thể là có 44% trẻ em từ 6 đến 23 tháng tuổi không được cho ăn hoa quả hoặc rau; 59% trẻ em không được cho ăn trứng, sữa, cá hoặc thịt.

Chỉ có 1 trong 5 trẻ em từ 6 đến 23 tháng tuổi của những hộ gia đình nghèo nhất và vùng nông thôn được cho ăn chế độ dinh dưỡng đa dạng tối thiểu theo khuyến cáo để phát triển thể chất và não bộ khỏe mạnh. Bên cạnh đó, thực phẩm chế biến sẵn được thiếu niên tiêu thụ ngày càng nhiều. Cụ thể: Có 42% thiếu niên uống nước ngọt có ga ít nhất một lần một ngày; 46% ăn đồ ăn nhanh ít nhất một lần một tuần. Khi được tiêu thụ nhiều, những thực phẩm này là nguyên nhân dẫn đến thừa cân, béo phì.

Còn ở Việt Nam, tình trạng thấp còi, suy dinh dưỡng đang cao hơn trung bình nhiều nước trên thế giới cũng như trong khu vực. Có 24% trẻ em Việt Nam bị thấp còi do suy dinh dưỡng, thậm chí con số này ở vùng miền núi Tây Bắc, Tây Nguyên lên tới  30% , trong khi đó ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương chỉ là 8%. Mấy chục năm qua, chiều cao của người Việt mới chỉ cải thiện được vài cm… 

Tỷ lệ trẻ thấp còi gia tăng nhanh chóng trong giai đoạn ăn bổ sung của trẻ, từ 12% ở trẻ 6 tháng lên 29% ở trẻ 2 tuổi. Trẻ em Việt Nam phần lớn ăn bổ sung quá sớm (hơn 50% trẻ ăn bổ sung trước 6 tháng tuổi). Bên cạnh đó, khẩu phần ăn của trẻ thường kém chất lượng, thiếu các vi chất dinh dưỡng.

Cụ thể, 18%  trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi có chế độ ăn thiếu đa dạng; 36% không ăn đủ bữa; 35% không tiêu thụ các thức phẩm có nguồn gốc động vật hàng ngày; 22% không tiêu thụ các thực phẩm giàu Vitamin A; 14% không tiêu thụ các thực phẩm giàu sắt hàng ngày; tiêu thụ rau xanh cũng thấp. Trẻ em trong các gia đình nghèo, vùng xa xôi, hẻo lánh, dân tộc thiểu số có lượng thực phẩm bổ sung ít nhất.

Đặc biệt, có đến 75% trẻ không được bú mẹ hoàn toàn đến 2 tuổi trong khi sữa mẹ được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và nhiều chuyên gia khuyến cáo là thức ăn tốt nhất giúp trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tăng cường hệ miễn dịch, phát triển cả về thể chất và tinh thần.

Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam Rana Flowers cho biết, 24% trẻ em Việt Nam bị thấp còi, nghĩa là cứ 4 trẻ em thì có một trẻ em bị thấp còi - thấp hơn về chiều cao so với chiều cao trung bình của độ tuổi. Nguyên nhân một phần là do thực phẩm cho trẻ ăn chưa đủ dinh dưỡng...

Phụ nữ khi mang thai mà nhẹ cân hoặc thiếu hụt chất dinh dưỡng, thì các em bé sinh ra có nguy cơ tử vong cao hơn, dễ mắc bệnh, bị thấp còi, suy giảm trí tuệ và sau này dễ mắc các bệnh tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch…

Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia: So sánh chiều cao trung bình của trẻ em 1 - 5 tuổi ở nước ta với trẻ cùng độ tuổi tại các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan, Singapore, Philippines cho thấy: Chiều cao trung bình của bé trai Việt Nam chỉ đạt 74,5cm - 103,6cm và bé gái chỉ đạt 73,2cm - 102,9cm, thấp nhất trong số các nước trong khu vực.

Nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và gánh nặng bệnh tật

Hiện nay, những trẻ em phát triển không khỏe mạnh là nạn nhân của một trong 3 loại hình thuộc gánh nặng ba dạng thức suy dinh dưỡng: Thiếu dinh dưỡng, thừa cân và đói tiềm ẩn. Thậm chí, có một số trường hợp kết hợp cả 2 trong số 3 dạng thức suy dinh dưỡng này.

Dạng thức thiếu dinh dưỡng có thể được thấy rõ trên cơ thể thấp còi, gầy còm của trẻ em không nhận được dinh dưỡng đầy đủ trong 1.000 ngày vàng đầu đời (từ khi thụ thai cho đến khi trẻ tròn 2 tuổi). Trong đó, suy dinh dưỡng thấp còi là trở ngại lớn nhất của con người trong quá trình tăng trưởng và phát triển.

Suy dinh dưỡng thấp còi làm tăng tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, suy giảm sức khỏe lúc còn nhỏ, giảm khả năng học tập và năng suất lao động khi trưởng thành. Ngoài ra, các trẻ thấp còi còn bị tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, ung thư... khi lớn lên. Hầu hết các trường hợp suy dinh dưỡng thấp còi xảy ra trước khi trẻ 3 tuổi là hậu quả của việc không nhận đủ thức ăn và chất lượng thức ăn không đảm bảo.

Dạng thức thừa cân và nghiêm trọng hơn là béo phì cũng đang có chiều hướng gia tăng ở trẻ em. Thừa cân không phải là bệnh của người giàu như nhiều người vẫn đánh giá mà giờ còn là bệnh của người nghèo, phản ánh sự dư thừa rất lớn lượng “calo rẻ tiền” từ những thực phẩm nhiều chất béo, đường, ở mọi quốc gia trên thế giới. Thừa cân dẫn đến nguy cơ cao hơn mắc các bệnh không truyền nhiễm như: Tiểu đường tuýp 2, bệnh động mạch vành.

Không giống như hai dạng thức trên, dạng thức đói tiềm ần (thiếu các vitamin và khoáng chất thiết yếu) không dễ quan sát được. Đói tiềm ẩn thường hiếm khi được phát hiện sớm nên dễ gây tổn hại đến sự sống còn và phát triển của trẻ em ở mọi giai đoạn trong cuộc đời...

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy suy dinh dưỡng trong giai đoạn đầu đời có thể gây tổn thương không thể phục hồi cho sự phát triển của não bộ, hệ miễn dịch và tăng trưởng thể lực. Trẻ có não kém phát triển ở những năm đầu đời sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh của hệ thần kinh sau này, kết quả học tập kém hơn, bỏ học sớm hơn, kỹ năng làm việc kém, chăm sóc con cái kém, điều này tạo nên sự chuyển giao nghèo đói từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Trẻ cũng có thể bị suy dinh dưỡng trong những năm đầu đời do bệnh tật, do thiếu sữa mẹ hoặc các thực phẩm bổ sung giàu dinh dưỡng. Suy dinh dưỡng làm suy yếu hệ miễn dịch của trẻ, khiến trẻ có nguy cơ tử vong cao từ những bệnh thường gặp như viêm phổi, tiêu chảy hay sốt rét…

Trẻ bị suy giảm phát triển về thể lực và trí lực do suy dinh dưỡng khi lớn lên đi làm thường có mức thu nhập bình quân thấp hơn, điều này tạo nên một gánh nặng to lớn về kinh tế cho các quốc gia, tiêu phí hàng tỷ đô la do việc giảm năng suất lao động và các chi phí y tế không tránh được.

Bài cuối: 1.000 ngày vàng

Minh Huệ (TTXVN)
Cảnh báo chế độ ăn uống kém dinh dưỡng gây tổn hại đến sức khỏe trẻ em
Cảnh báo chế độ ăn uống kém dinh dưỡng gây tổn hại đến sức khỏe trẻ em

Tại Việt Nam, cứ ba trẻ dưới 5 tuổi thì có một trẻ thiếu dinh dưỡng hoặc thừa cân. Số trẻ em phải chịu hậu quả từ chế độ ăn uống kém dinh dưỡng và hệ thống thực phẩm không đáp ứng được nhu cầu của trẻ đang tăng cao một cách đáng báo động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN