Bệnh nhân là chị P.T.P. (sinh năm 1965, ngụ tại huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh).
Theo chị P., trước đây chị đã đi khám, châm cứu, uống thuốc điều trị nhiều nơi nhưng không thuyên giảm. Tình trạng co giật ngày càng nhiều làm biến dạng khuôn mặt, gây ảnh hưởng đến tâm lý và tinh thần, cản trở trong giao tiếp xã hội, sinh hoạt và hạn chế tầm nhìn.
Khi đến khám chuyên khoa Ngoại thần tinh tại bệnh viện, chị được các bác sĩ thăm khám kỹ lưỡng. Qua các kết quả lâm sàng và hình chụp cộng hưởng từ MRI, bác sĩ đã tư vấn cho chị cần phẫu thuật giải áp vi mạch để điều trị tình trạng co giật nửa mặt do dây thần kinh VII bị chèn ép.
Nhờ được phẫu thuật, chị P. đã thoát cảnh bị co giật nửa mặt suốt 8 năm qua. Ảnh: BV. |
Ca phẫu thuật được các bác sĩ Ngoại thần kinh nhiều kinh nghiệm trực tiếp thực hiện. Bệnh nhân được gây mê nội khí quản, với sự hỗ trợ của hệ thống kính hiển vi phẫu thuật hiện đại, các bác sĩ tiến hành khoan sọ, rạch màng cứng vén tiểu não, bộc lộ dây thần kinh VII bị động mạch đốt sống chèn ép. Sau khi tách động mạch khỏi dây thần kinh bị chèn ép, các bác sĩ tiếp tục chèn một mảnh teflon vào giữa. Ca phẫu thuật thành công giúp tình trạng co giật nửa mặt đã được khỏi hẳn. Bệnh nhân đã sinh hoạt bình thường.
Theo các bác sĩ, bệnh co giật nửa mặt là một tình trạng co giật không tự ý, ngắt quãng của các nhóm cơ chi phối bởi dây thần kinh VII ở một bên mặt và không gây đau, không đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, nó gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống, tâm lý và tinh thần của người bệnh. Nếu bản thân hay người nhà có các dấu hiệu co giật nửa mặt thì nên đến khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa ngoại thần kinh để được khám và điều trị kịp thời.