Trong bài báo đăng trên tạp chí Lancet Psychiatry ngày 15/4, một nhóm 24 chuyên gia dẫn kết quả hai cuộc khảo sát lấy ý kiến của hơn 3.000 người tại Anh, cho thấy hầu hết những người được hỏi cho biết họ đã rất lo lắng và sợ bị sa sút tinh thần kể từ khi dịch bùng phát. Những bất an liên quan việc cách ly xã hội, việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế trong trường hợp cần thiết. Các chuyên gia cảnh báo những triệu chứng này có thể vẫn sẽ “đeo bám” trong tương lai, ngay cả sau khi các biện pháp phong tỏa hiện nay được nới lỏng.
Trưởng nhóm nghiên cứu trên, Tiến sĩ Emily Holmes tại Đại học Uppsala (Thụy Điển) nhấn mạnh: "Tất cả chúng ta đều đang đối mặt với sự bất an chưa từng thấy và những thay đổi lớn trong cách sống do virus SARS-CoV-2", và những thay đổi này đang tác động đáng kể đến sức khỏe tinh thần của mọi người.
Nhóm chuyên gia kêu gọi tài trợ nhiều hơn cho việc nghiên cứu các tác động mà COVID-19 có thể gây ra đối với sức khỏe tâm thần của xã hội, theo đó tiến hành theo dõi theo thời gian thực về tâm trạng lo lắng, trầm cảm, hành vi tự hại bản thân và tự tử trên toàn thế giới, cũng như tạo ra các chương trình điều trị có thể tiếp cận từ xa. Chuyên gia Matthew Hotopf tại Đại học King's College London cho rằng cần phải tiến hành việc này ở quy mô lớn chưa từng thấy trước đây, đồng thời phải có sự phối hợp, bài bản và toàn diện.
Các nghiên cứu về tác động sức khỏe tâm thần liên quan những dịch bệnh trước đây, như dịch viêm đường hô hấp cấp SARS, cho thấy sự gia tăng rõ rệt tỷ lệ tự tử và số nhân viên y tế rơi vào tâm trạng đau buồn. Nhưng tác động của đại dịch COVID-19 được đánh giá là “chưa từng thấy”, với hàng tỷ người bị cô lập ở nhà và vẫn chưa xác định được “hồi kết” ngay cả sau khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng.
Giáo sư Tâm lý học Sức khỏeRory O'Connor tại Đại học Glasgow (Anh) nhận định việc tăng cường cách ly xã hội, sự cô đơn, căng thẳng và lo lắng về sức khỏe ngày càng tăng đi kèm với suy thoái kinh tế là “một cơn bão” gây tổn hại sức khỏe thể chất và tinh thần của con người.
Giáo sư Rory cảnh báo việc thiếu sự can thiệp cần thiết tiềm ẩn nguy cơ làm bùng nổ các vấn đề về sức khỏe tâm thần như lo lắng và trầm cảm, cũng như làm gia tăng hiện tượng nghiện rượu và ma túy. Ông nhấn mạnh vấn đề này "rất nghiêm trọng”, xét cả phương diện tác động tới cuộc sống của mỗi con người cũng như ở phương diện tác động rộng lớn hơn đối với toàn xã hội. Do đó, ông cùng 23 cộng sự kêu gọi các chính phủ trên toàn thế giới tài trợ để thành lập các nhóm làm việc chuyên sâu gồm các chuyên gia hiểu rõ về những tác động đối với sức khỏe tâm thần để có thể đảm bảo ưu tiên nghiên cứu và tìm ra những phương pháp điều trị thích hợp.