Ông tâm niệm, chữa bệnh cứu người, giúp đỡ bệnh nhân nghèo cũng là cách để trả ơn cuộc đời.
“Sát thủ” của ung thư phụ khoa
Không biết tự bao giờ, người trong ngành biết đến bác sỹ Nguyễn Văn Tiến như một “sát thủ” hàng đầu trong lĩnh vực ung thư phụ khoa bởi những thành tích mà ông đã mang đến cho bệnh nhân. Cũng không biết tự bao giờ ông trở thành bậc thầy của những ca ung thư khó, chuyên giải quyết những khối u, bướu phụ khoa khổng lồ, giải phóng người bệnh thoát khỏi kiếp sống của những “con quái vật”.
Nhớ về lần đầu thực hiện ca phẫu thuật u buồng trứng có kích thước lớn nhất Việt Nam được ghi nhận vào năm 2015, bác sỹ Nguyễn Văn Tiến cho biết, bệnh nhân nữ 49 tuổi phải mang trong mình khối u buồng trứng khổng lồ suốt 10 năm. Khi nhập viện, thể trạng bệnh nhân gầy yếu nhưng có cân nặng lên đến 90kg và một cái bụng khổng lồ. “Đây là một ca bệnh khó, bệnh nhân có thể chết ngay trên bàn mổ. Tuy nhiên tôi vẫn quyết định mổ bởi nếu không mổ bệnh nhân cũng sẽ chết do các cơ quan nội tạng bị chèn ép”, bác sỹ Tiến tâm sự.
Cuối cùng, ca phẫu thuật thành công, khối u nặng 40 kg được “giải phóng” khỏi ổ bụng của bệnh nhân. Sau thành công của ca phẫu thuật này, bác sỹ Nguyễn Văn Tiến cùng các đồng nghiệp tại Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều ca phẫu thuật u, bướu phụ khoa khổng lồ khác.
Điển hình là tháng 7/2019, ông thực hiện ca phẫu thuật đặc biệt (mà y văn thế giới mới chỉ ghi nhận vài trường hợp) cho bệnh nhân Lê Thị Diễm (19 tuổi, trú tại tỉnh Bạc Liêu). “Cô bé ễnh ương” là biệt danh mà bác sỹ Tiến đặt cho bệnh nhân này bởi ở tuổi 19 nhưng em chỉ nhỏ như một bé gái 10 tuổi, kèm theo cái bụng khổng lồ như một con ễnh ương. Vào thời điểm nhập viện, bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch do cái bụng to chứa đầy dịch đã ép vào tim, phổi.
Nhận định rằng nếu rút hết dịch ra cùng một lúc thì cô gái có nguy cơ không qua khỏi, bác sỹ Tiến và cộng sự đã quyết định rút dịch từ từ cho cơ thể bệnh nhân thích ứng với việc này. Trong vòng 10 ngày, bệnh nhân đã được rút ra khỏi cơ thể mỗi ngày 2-3 lít dịch, đến khi bước lên bàn mổ, các bác sỹ tiếp tục hút ra 20 lít nữa. Tổng cộng 50 lít dịch đã được rút ra, bệnh nhân hồi phục kỳ diệu. Sau ca mổ giải phóng “bụng ễnh ương” cho bệnh nhân, bác sỹ Nguyễn Văn Tiến có thêm một cô con gái khi Lê Thị Diễm cương quyết gọi ông là “ba Tiến” bởi ông đã hồi sinh cho cô. “Có những bệnh nhân sau khi được tôi điều trị khỏi bệnh đã nhận tôi là ba hay cũng có người sau khi phục hồi chức năng làm mẹ đã mang con đến nhờ tôi làm ba đỡ đầu. Tôi rất vui vì mình hiện giờ có khá nhiều con và vui hơn với những tình cảm của người bệnh dành cho mình”, bác sỹ Tiến chia sẻ.
Với việc thực hiện gần 30 ca phẫu thuật ung thư phụ khoa khủng, nhiều người gọi ông là “bác sỹ liều” bởi ông thường rất “bạo tay” khi đứng trước lựa chọn phẫu thuật hay không phẫu thuật cho bệnh nhân. Ông thừa nhận, suốt gần 30 năm hành nghề, phẫu thuật hàng ngàn ca bệnh, có những ca rất khủng, rất khó và có cả những ca thất bại nhưng đứng trước thời khắc quyết định ông luôn suy nghĩ, nếu không mổ chắc chắn bệnh nhân sẽ chết, vì thế ông không muốn bỏ lỡ mất cơ hội giúp người bệnh được sống, dù cơ hội đó rất mong manh. Thậm chí, ông từng nhiều lần “năn nỉ” bệnh nhân ở lại bệnh viện để phẫu thuật chỉ vì lí do “nếu mình không mổ bệnh nhân sẽ đi chữa bệnh bậy bạ ở nơi khác, vừa mất tiền vừa có thể sẽ mang thêm tật”, bác sỹ Tiến tâm sự.
“Ông Bụt áo trắng" của bệnh nhân nghèo
Đến Khoa Ngoại 1 (Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh) hỏi về bác sỹ Tiến, nhiều bệnh nhân gọi ông là “ông Bụt áo trắng” bởi những nghĩa cử cao đẹp với bệnh nhân nghèo. Ngoài chuyên môn giỏi, ông còn được biết đến là một “mạnh thường quân hào sảng” của người bệnh. Bệnh nhân nào khó khăn không đủ tiền tạm ứng viện phí, ông sẵn sàng bỏ tiền túi của mình đóng giúp. Bệnh nhân nào không có tiền phẫu thuật, ông vận động người thân, bạn bè quyên góp hỗ trợ.
Bác sỹ Tiến kể, ông đã từng phải chịu đựng nỗi đau mất mát người thân do không được chạy chữa. Do vậy, ông rất thấu hiểu hoàn cảnh túng quẫn người bệnh nghèo đang trải qua. Năm 1998, ông cùng bạn bè của mình thành lập Quỹ từ thiện tennis Mattana để giúp đỡ bệnh nhân nghèo. Những năm qua, Quỹ từ thiện này như một “chiếc phao cứu sinh” của bệnh nhân nghèo. Nhiều bệnh nhân ung thư đã được Quỹ hỗ trợ để có tiền chữa bệnh, nhiều cuộc đời đã được hồi sinh từ số tiền mà bác sỹ Tiến kêu gọi, quyên góp.
Ngoài hỗ trợ viện phí cho người bệnh, chỉ riêng năm 2019, Quỹ từ thiện tennis Mattana do bác sỹ Nguyễn Văn Tiến thành lập đã xây được 4 cây cầu bê tông cho người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần nối những bờ vui. Trong năm 2020, bác sỹ Tiến và các thành viên Quỹ từ thiện dự định sẽ dành tâm lực hỗ trợ, chăm sóc, giảm nhẹ cho những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối.
27 năm gắn bó với nghề y, cũng là người có tiếng trong nghề nhưng bác sỹ Nguyễn Văn Tiến không mở phòng mạch riêng, cũng không nhận lời mời phẫu thuật riêng của bất cứ một đơn vị y tế tư nhân nào. Toàn bộ thời gian, tâm sức ông dành cho việc điều trị bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Ung bướu.
Ông luôn trăn trở, bỏ nhiều công sức nghiên cứu các phương pháp điều trị mới nhằm bảo tồn thiên chức làm vợ, làm mẹ của bệnh nhân ung thư phụ khoa. Có người bảo ông là “bác sỹ khùng” nhưng ông suy nghĩ: “Tôi may mắn khi có sự hậu thuẫn lớn từ hậu phương, tôi cũng may mắn khi có được cuộc sống đủ đầy, vì thế tôi muốn dành hết tâm sức của mình cho bệnh nhân nghèo bởi đó cũng là một cách để trả ơn cuộc đời”.