Người bệnh không còn lo lắng
Đến nhận thuốc ARV (thuốc điều trị cho người nhiễm HIV) tại Trung tâm y tế quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), các bệnh nhân đã yên tâm khi họ tiếp tục được điều trị bằng BHYT chi trả dù nguồn thuốc tài trợ miễn phí nay đã hết; giúp họ không lo tốn kém.
Bệnh nhân N.T.Đ (ở Cổ Nhuế, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: "Từ năm 2018 tôi đã đóng BHYT để được chi trả thuốc điều trị, hầu hết bệnh nhân chúng tôi đều có hoàn cảnh khó khăn nên nhờ có BHYT tôi đỡ phải lo tốn kém chi phí”.
"Việc điều trị đầy đủ giúp chúng tôi được sống khoẻ mạnh hơn, nên khi được BHYT chi trả tiền thuốc, chúng tôi rất mừng, nếu phải trả tiền thuốc thì chắc nhiều người sẽ bỏ hoặc không theo điều trị được đều đặn", một bệnh nhân nam cũng chia sẻ.
Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), tính đến tháng 9/2019, số người nhiễm HIV tại Việt Nam là hơn 211.000 người, số người tử vong do AIDS là hơn 103.000 người. Dịch HIV/AIDS tiếp tục có xu hướng giảm, tuy nhiên tốc độ giảm của dịch có xu hướng chậm lại; đặc biệt, tỷ lệ hiện mắc HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đang có xu hướng gia tăng và tỷ lệ mắc mới HIV trong nhóm này cao nhất trong các nhóm. Vì vậy việc giảm bớt gánh nặng chi phí để bệnh nhân tăng cường điều trị, giảm lây truyền là vô cùng quan trọng để kiểm soát dịch.
PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: Việc điều trị ARV đang được mở rộng, hiện có 140.000 bệnh nhân đang điều trị bằng ARV với tỷ lệ tuân thủ sau 12 tháng điều trị đạt 88%, tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế (dưới 1000 copy/ml máu) đạt 95%, dưới ngưỡng phát hiện (200 copy/ml máu) đạt 92%. Tính đến hết tháng 9/2019, cả nước đã có 54 tỉnh có tỷ lệ bao phủ BHYT trong điều trị HIV/AIDS đạt được trên 90%. Đặc biệt đã có 9 tỉnh đạt bao phủ 100% gồm: Tuyên Quang, Kon Tum, Bình Định, Hà Giang, Đà Nẵng, Sóc Trăng, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Hưng Yên. Các địa phương cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng bao phủ BHYT trong điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS. Hiện đã có 40/63 tỉnh bố trí ngân sách địa phương mua thẻ BHYT cho người bệnh với tổng kinh phí 13 tỷ đồng cho hơn 16.000 thẻ BHYT; bên cạnh đó người bệnh cũng được mua thẻ BHYT nhờ các dự án viện trợ quốc tế như Quỹ toàn cầu đã hỗ trợ mua gần 8.000 thẻ.
Tuy nhiên, hiện việc tăng cường tiếp cận của người bệnh HIV với BHYT vẫn còn những khó khăn. Đơn cử như việc bệnh nhân không muốn sử dụng BHYT vì lo ngại kỳ thị và phân biệt đối xử; hiện nay cũng chưa có cơ chế mua thẻ BHYT cho bệnh nhân ngoại tỉnh không đăng ký thủ tục tạm trú, cho người nhiễm HIV không có bất kỳ giấy tờ tùy thân; nhất là trường hợp nhiều bệnh nhân muốn mua thẻ nhưng không muốn bộc lộ danh tính...
Vì vậy, việc sử dụng và thanh toán tiền thuốc ARV từ nguồn BHYT năm 2019 vẫn còn rất thấp. Số tiền thanh toán mới chỉ chiếm gần 40% tổng số hợp đồng đã ký. Bên cạnh đó, vấn đề đấu thầu thuốc còn chậm, điều phối thuốc vẫn còn khó khăn. Hiện nguồn thuốc ARV đang có các nguồn thuốc khác nhau như: Chương trình mục tiêu, nguồn ngân sách, nguồn BHYT. Trong khi đó, nguồn từ BHYT thì không thể điều phối, không thể dùng thuốc BHYT cho các bệnh nhân khác, cũng không thể dùng thuốc nguồn khác cho bệnh nhân đã chuyển sang BHYT…
Tạo điều kiện tối đa cho người bệnh
Việc người bệnh HIV tham gia và sử dụng BHYT sẽ giúp công tác điều trị thuận lợi. Đây cũng là giải pháp hiệu quả lâu dài trong khi các nguồn tài trợ quốc tế cho thuốc điều trị đang giảm nhanh chóng.
Theo PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long, để việc triển khai điều trị ARV thông qua BHYT được thuận lợi, các cơ sở y tế cần tạo mọi điều kiện để người bệnh có thẻ BHYT tiếp cận được các dịch vụ y tế một cách thuận lợi nhất. Đặc biệt, nhân viên y tế phải có thái độ ân cần, không kỳ thị và phải đảm bảo bí mật thông tin cho bệnh nhân. Công tác điều trị ARV tiếp tục mở rộng hơn nữa hướng tới đạt mục tiêu 90% người nhiễm HIV được phát hiện và đưa vào điều trị. Các nguồn khác vẫn tiếp tục huy động, tuy nhiên, trong thời gian tới nguồn BHYT vẫn là nguồn cơ bản để duy trì và mở rộng công tác điều trị HIV/AIDS.
Trong đó, việc tạo điều kiện dễ dàng nhất cho người nhiễm HIV/AIDS có thẻ BHYT là rất quan trọng do phần lớn người bệnh thường gặp khó khăn về kinh tế, không tiền mua thẻ. Bên cạnh đó, nhiều người nhiễm HIV sống lang thang, không có nơi cư trú ổn định nên không được thụ hưởng chính sách hỗ trợ BHYT. Thêm vào đó, chính bản thân người nhiễm HIV/AIDS cũng có tâm lý lo sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử nên không muốn cung cấp thông tin để tham gia BHYT. Việc đảm bảo bảo mật thông tin cho người bệnh cũng là một biện pháp giúp họ tìm đến BHYT.