Những cái chết giữa cô đơn
Những ngày Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tại TP Hồ Chí Minh “nóng” nhất với kín đặc giường bệnh cũng là lúc các y bác sĩ làm việc hết tốc lực. Trong cuộc chạy đua gấp gáp giành lấy sự sống cho người bệnh từ tay “tử thần” COVID-19; họ cũng có những lúc chững lại, lặng xuống khi có bệnh nhân “bỏ cuộc, buông tay”. Mỗi bệnh nhân tử vong là một lần ám ảnh với các y bác sĩ, bởi có những bệnh nhân từ khi vào Trung tâm đến khi ra đi, các bác sĩ chỉ biết tên chứ chưa một lần bệnh nhân tỉnh táo để trò chuyện.
“Những ngày cao điểm, chúng tôi chứng kiến 7 - 8 bệnh nhân tử vong mỗi ngày tại Trung tâm. Những đó vẫn còn là con số nhỏ, vì ở những nơi khác thậm chí còn đông hơn. Đau thương lắm! Vì Trung tâm hồi sức COVID-19 đã là tuyến cuối cùng; các bệnh nhân đã vào đây tức là đều đã có thời gian điều trị ở các tuyến dưới, nặng lắm mới chuyển lên; nên họ đều không có ai thân thích bên cạnh. Có những bệnh nhân chúng tôi tiếp nhận đã trong tình trạng đã thở máy, bóp bóng thì không thể hỏi được gì về người thân của họ”, GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nhớ lại giai đoạn dịch nóng nhất tại TP Hồ Chí Minh.
Các bệnh nhân COVID-19 đều cô đơn ở nơi điều trị, lúc ra đi cũng không có người thân ở bên, sự khủng khiếp ấy của dịch bệnh trước giờ chưa ai tưởng tượng ra được. Và chính các y bác sĩ, nhân viên y tế, những người trực tiếp ở cạnh, chứng kiến mới thực sự đau lòng.
Lần đầu tiên chứng kiến chiếc xe điện chở những bệnh nhân COVID-19 đã tử vong xuống khu vực bảo quản thi thể của Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cô nhân viên phòng Công tác xã hội Nguyễn Thị Hương như “đứng hình”. Sau giây phút chết lặng khi định hình được đó là những thi thể của các bệnh nhân tử nạn trong dịch bệnh, một cảm giác chua xót trào dâng trong lòng. Cùng đoàn của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vào chi viện cho TP Hồ Chí Minh, với nhân viên Nguyễn Thị Hương, tuy không tham gia trực tiếp vào các công đoạn điều trị bệnh nhân COVID-19 nhưng trong số các công việc hàng ngày, cô ám ảnh nhất là những việc liên quan đến các bệnh nhân tử vong.
“Những ngày đầu chúng tôi vào tiếp nhận công việc tại Trung tâm, mọi thứ đều chưa quen. Bàn làm việc của tôi đối diện với một điều dưỡng làm nhiệm vụ chuyên gọi điện về báo tin cho người thân bệnh nhân COVID-19 tử vong, tôi thực sự bị sốc. Những ngày đầu, chị ấy cũng stress; có những khi vừa báo tin, ở đầu dây bên kia, người nhà bệnh nhân khóc gào thảm thiết, chúng tôi cũng lặng đi. Chị ấy cũng xúc động, thương tâm quá, không biết nói gì, đành để điện thoại như vậy khá lâu, để chỉ nghe họ khóc…” nhân viên Nguyễn Thị Hương rơm rớm nhớ lại.
Cũng có những gia đình khi nghe báo tin người thân tử vong trong bệnh viện, họ cứ ú ớ một hồi, vì không thể tin điều đó xảy ra, một lúc sau họ mới khóc oà lên… Có lẽ ai chứng kiến những giây phút đau lòng ấy, mới cảm thấy sự sống mong manh đến nhường nào.
“Có những lúc số điện thoại holine của Trung tâm hồi sức lúc nào cũng sáng. Chúng tôi từng nhận được nhiều cuộc điện thoại của người thân bệnh nhân gọi tới chỉ để hỏi xin tìm cách được gặp người thân lần cuối. Có những người là vợ, chồng đã lâu chưa được gặp nhau, họ chỉ tha thiết xin được vào gặp… Những tình huống ấy, chúng tôi phải cố gắng giải thích cho họ hiểu, nhưng cũng thương cảm vì khát khao của họ dù chỉ nhỏ nhoi thế thôi nhưng chúng tôi cũng không biết làm gì để giúp họ cả”, nhân viên Nguyễn Thị Hương chia sẻ.
Mỗi lần chứng kiến bệnh nhân không qua khỏi, các nhân viên y tế chẳng ai nói với ai câu nào; nhưng trong đôi mắt trầm tư sau mỗi ca trực đều là nỗi buồn khủng khiếp, là sự trăn trở mãi khó nguôi ngoai.
Giữ gìn từng kỷ vật của người bệnh
Biết bệnh nhân COVID-19 cô đơn nơi bệnh viện, cũng cô đơn khi qua đời nên các y bác sĩ luôn cố gắng lưu giữ những kỷ vật của bệnh nhân, để có thể trao trả lại cho người thân của họ như sự an ủi cuối cùng có thể làm được.
Những buổi trao trả lại kỷ vật của bệnh nhân COVID-19 cho người nhà cũng là những nỗi ám ảnh khủng khiếp với các y bác sĩ. Bởi nỗi đau lại được khơi lên lần nữa.
“Với những bệnh nhân nặng tử vong, những kỷ vật của họ còn lại của họ chúng tôi luôn cố gắng cất giữ và liên hệ với người nhà để trao lại. Kỷ vật ấy có thể là chiếc nhẫn hay chỉ chiếc túi xách nhỏ bên trong đựng giấy tờ tuỳ thân… Có những trường hợp chúng tôi không biết làm thế nào để tìm được người thân của người đã mất, đành phải trao đổi với lực lượng công an để tìm kiếm. Có những người để tìm đến nhận lại họ cũng cũng phải qua rất nhiều đầu mối mới biết người thân mình đã từng nằm ở đâu. Nỗi đau lòng của họ chúng tôi đều thấu hiểu”, GS Trần Bình Giang chia sẻ.
Việc lo hậu sự cho các nạn nhân tử nạn vì COVID-19 cũng đơn giản hết mức trong sự khốc liệt của dịch bệnh. Đau đáu vì điều đó, Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 thuộc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã liên hệ với Giáo hội Phật giáo để đề xuất cho các tăng, ni, Phật tử vào Trung tâm giúp đỡ. Vừa giúp đỡ các công việc của Trung tâm, các tăng, ni còn có thể làm lễ cầu siêu cho những bệnh nhân không qua khỏi để bớt đi những đau lòng, thiệt thòi của những người xấu số.
Mỗi lần trao kỷ vật cho người nhà các bệnh nhân tử vong hay các buổi lễ cầu siêu ở nơi tâm dịch, ai cũng thấm sự khốc liệt của dịch bệnh. Có lẽ bởi vậy mà dù đã trở về sau những ngày băng mình trong tuyến lửa, mỗi nhân viên y tế vẫn còn ám ảnh mãi. Đã qua rồi những ngày gian khổ, được trở về tổ ấm bình yên nhưng đôi khi trong bữa cơm ấm áp đoàn tụ, họ vẫn còn bật khóc…