Ngày Thế giới Phòng chống sốt rét 25/4:

Chung tay loại trừ bệnh sốt rét

Với những kết quả của công tác phòng, chống sốt rét đã thực hiện trong thời gian qua, Việt Nam và một số nước khác đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo chuyển sang chiến lược loại trừ sốt rét, với các hướng dẫn thực hành để tiến tới một thế giới không còn sốt rét.

Việt Nam đã xây dựng chiến lược đến năm 2025 sẽ loại trừ sốt rét do nhiễm ký sinh trùng Plasmpdium falciparum và định hướng đến năm 2030 toàn bộ sốt rét do nhiễm các loại ký sinh trùng khác đều được loại trừ.

Chú thích ảnh
Cán bộ y tế xã Cư Huê (Ea Ka, Đắk Lắk) tuyên truyền cách phòng, chống bệnh sốt rét cho người dân. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Thu hẹp vùng sốt rét lưu hành

Ở Việt Nam, bệnh sốt rét xảy ra quanh năm, nhưng tập trung nhất là vào mùa mưa, bệnh lưu hành chủ yếu ở vùng ven biển nước lợ, vùng rừng, đồi, núi. Theo báo cáo của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, tình hình sốt rét của Việt Nam chỉ còn tập trung vào các khu vực miền Trung-Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Các tỉnh phía Bắc có số mắc thấp hơn, chủ yếu là các ca ngoại lai từ nhóm dân di biến động và làm ăn tại các tỉnh có sốt rét lưu hành như miền Trung-Tây Nguyên và Bình Phước, một số khác do lao động nước ngoài trở về như Lào, Campuchia, Angola, Tanzania, Sudan, Nigeria.

Năm 2018, số bệnh nhân sốt rét toàn quốc là 6.870 người, giảm 18,3% so với năm 2017; số bệnh nhân nhiễm kí sinh trung sốt rét là 4.813 người tăng 5,8% so với năm 2017 và chỉ có 1 trường hợp tử vong do sốt rét.

Thực tế cho thấy, công tác phòng chống sốt rét của Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể với số người mắc sốt rét và tử vong do sốt rét giảm liên tục qua các năm, vùng sốt rét lưu hành thu hẹp lại.

Việt Nam đã xây dựng khung pháp lý và chính sách về công tác phòng, chống sốt rét. Chính phủ đã tập trung đầu tư về nguồn tài chính cho công tác phòng, chống sốt rét, đưa hoạt động phòng, chống sốt rét trở thành một chương trình ưu tiên về y tế.

Bên cạnh đó là sự tham gia tích cực, mạnh mẽ của cộng đồng người dân và các tổ chức xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các hoạt động phòng, chống và loại trừ sốt rét một cách bền vững.

Đặc biệt, các kỹ thuật về chẩn đoán, điều trị sốt rét đã được cảỉ thiện để đáp ứng yêu cầu, năng lực giám sát phát hiện của hệ thống y tế đã được nâng cao và bao phủ toàn diện. Việc phân vùng dịch tễ sốt rét cho từng tỉnh, huyện, xã là cơ sở quan trọng cho việc bố trí nguồn lực, lựa chọn các hoạt động ưu tiên và áp dụng các biện pháp can thiệp cần thiết về phòng, chống và loại trừ sốt rét phù hợp cho từng vùng tương ứng với các giai đoạn để tiến tới loại trừ sốt rét vào năm 2030. Cơ sở khoa học này là điều kiện để thực hiện các giai đoạn của chiến lược loại trừ sốt rét đạt hiệu quả trong thời gian đến.

Tuy nhiên, công tác phòng, chống sốt rét đang gặp một số khó khăn, các kết quả đạt được trong công tác phòng, chống sốt rét ở Việt Nam chưa bền vững, ký sinh trùng sốt rét tăng trở lại trong 2 năm gần đây, nguy cơ sốt rét gia tăng vẫn còn rất cao ở nhiều địa phương do nguồn lực đầu tư cho phòng, chống sốt rét còn hạn chế. Đồng thời, số người sống trong vùng sốt rét lưu hành còn cao, sốt rét kháng thuốc đã xuất hiện ở một số tỉnh và có nguy cơ lan rộng, muỗi truyền bệnh kháng với hóa chất, di biến động dân cư giữa vùng có sốt rét lưu hành và vùng không có sốt rét lưu hành, dân giao lưu qua biên giới, tỷ lệ bệnh nhân mắc sốt rét cao ở nhóm đối tượng này và khó kiểm soát.

Bên cạnh đó, một khó khăn nữa là kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước và các nhà tài trợ quốc tế cho công tác phòng, chống bệnh sốt rét bị cắt giảm. Nhiều tỉnh chưa bố trí ngân sách địa phương để chi các hoạt động phòng, chống và loại trừ sốt rét (năm 2018 có 44 tỉnh, thành phố không cấp kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương cho hoạt động phòng, chống và loại trừ sốt rét) gây khó khăn trong việc triển khai các hoạt động phòng, chống và loại trừ sốt rét tại địa phương.

Tiến tới loại trừ sốt rét

Chú thích ảnh
Bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước thăm hỏi, chăm sóc bệnh nhân đang điều trị sốt rét. Ảnh: K GỬIH/TTXVN

Bộ Y tế xác định chiến lược phòng, chống và loại trừ sốt rét gồm 3 giai đoạn: giai đoạn phòng, chống sốt rét, giai đoạn loại trừ sốt rét và giai đoạn đề phòng sốt rét quay trở lại. Các giai đoạn phòng, chống và loại trừ sốt rét này được xây dựng dựa trên hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới.

Theo lộ trình, đến năm 2020, cả nước sẽ còn 9 địa phương ở giai đoạn phòng, chống sốt rét, 26 địa phương ở giai đoạn loại trừ sốt rét và 28 địa phương ở giai đoạn đề phòng sốt rét quay trở lại; đến năm 2025 không còn địa phương nào còn ở giai đoạn phòng, chống sốt rét, 8 địa phương ở giai đoạn loại trừ sốt rét và 55 địa phương ở giai đoạn đề phòng sốt rét quay trở lại.

Đối với 713 quận, huyện, thị xã, thành phố của cả nước, đến năm 2020 sẽ còn 32 đơn vị ở giai đoạn phòng, chống sốt rét, 192 đơn vị ở giai đoạn loại trừ sốt rét và 489 đơn vị ở giai đoạn đề phòng sốt rét quay trở lại; đến năm 2025 không còn đơn vị nào ở giai đoạn phòng, chống sốt rét, 26 đơn vị ở giai đoạn loại trừ sốt rét và 687 đơn vị ở giai đoạn đề phòng sốt rét quay trở lại.

Theo lộ trình này, tất cả các tỉnh, thành phố sẽ loại trừ sốt rét do nhiễm ký sinh trùng Plasmodium vào năm 2025. Một số tỉnh, thành phố còn tồn tại các chủng loại ký sinh trùng sốt rét khác như Plasmodium vivax, Plasmodium malariae, Plasmodium ovale và Plasmodium knowlesi sẽ tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống để đạt mục tiêu loại trừ hoàn toàn sốt rét tại Việt Nam vào năm 2030.

Muỗi truyền là đường lây cơ bản của bệnh sốt rét

Sốt rét là một trong các bệnh do muỗi truyền, bệnh xảy ra quanh năm nhưng phổ biến nhất vào mùa mưa và thường gặp ở các vùng đồi núi và vùng ven biển nước lợ. Tuy nhiên, không phải loại muỗi nào cũng có thể truyền bệnh sốt rét, mà chỉ có muỗi Anophel mới có kí sinh trùng Plasmodium gây nên bệnh sốt rét và có khả năng lây bệnh từ người này sang người khác qua các vết đốt.

Khi mắc bệnh sốt rét, người bệnh có các biểu hiện như sốt, ớn lạnh, vã mồ hôi, cơ thể nhức mỏi, buồn nôn và nôn. Sau khi thuyên giảm từ 2 đến 3 ngày, các biểu hiện trên sẽ tái phát trở lại. Người mắc bệnh sốt rét dễ bị suy dinh dưỡng, phụ nữ mang thai mắc bệnh sốt rét dễ bị sảy thai, thai chết lưu, đẻ non. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể ác tính, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, thậm chí gây tử vong cho người bệnh.

Thông thường bệnh sốt rét được chia thành hai thể là thể thông thường và thể ác tính. Ở thể thông thường, các triệu chứng của bệnh không đe dọa tới tính mạng. Tùy theo sức đề kháng và mức độ nhiễm kí sinh trùng của mỗi người mà có những biểu hiện sốt khác nhau như rét run, vã mồ hôi, nổi da gà hoặc sốt liên tục. Ở thể ác tính, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt cao liên tục, rối loạn tiêu hóa, nôn mửa, đau bụng cấp kèm theo rối loạn ý thức như ngủ li bì, mê sảng… rất dễ đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Chính vì vậy, khi có biểu hiện của bệnh sốt rét cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, giúp giảm bớt mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe và khả năng lây truyền bệnh trong cộng đồng.

Bệnh sốt rét có thể lây truyền qua 4 đường cơ bản đó là: Do muỗi truyền, do truyền máu có kí sinh trùng sốt rét, do mẹ truyền cho con qua nhau thai và do sử dụng chung bơm kim tiêm có kí sinh trùng sốt rét. Trong đó, muỗi truyền là đường lây cơ bản của bệnh sốt rét. Chính vì vậy, để phòng bệnh sốt rét hiệu quả nhất cần ngăn sự tiếp xúc giữa người với muỗi truyền bệnh bằng cách: Phun tồn lưu và tẩm màn bằng hóa chất diệt muỗi; phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, dọn dẹp nhà cửa gọn gàng để hạn chế muỗi sinh sản, trú ngụ trong nhà, đồng thời phòng, chống muỗi đốt bằng cách nằm màn khi ngủ, mặc quần áo dài khi đi rừng, làm nương, bôi thuốc xua muỗi lên những nơi da hở.

TTXVN/Báo Tin tức
Đến năm 2030, Việt Nam loại trừ hoàn toàn bệnh sốt rét
Đến năm 2030, Việt Nam loại trừ hoàn toàn bệnh sốt rét

Việt Nam đã chuyển từ hoạt động phòng chống sang phòng chống và loại trừ sốt rét.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN