Chưa có bằng chứng về khả năng lây nhiễm với các ca tái dương tính sau khi khỏi COVID-19

Theo PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, hiện chưa có bằng chứng về khả năng lây nhiễm của các ca tái dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi khỏi bệnh COVID-19, các trường hợp tiếp xúc gần với những ca này đều có kết quả xét nghiệm âm tính.

Chú thích ảnh
Lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc người mắc COVID-19 trong cộng đồng. Ảnh: TTXVN

Ngày 28/8, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng cho biết: Tại Đà Nẵng đã xuất hiện ca tái dương tính đầu tiên sau khi khỏi bệnh, xuất viện. Trước đó, tại TP. Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Hà Nội… cũng đã ghi nhận một số trường hợp tái dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi khỏi bệnh.

Về vấn đề này, PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Hiện trên thế giới và tại Việt Nam cũng ghi nhận khá nhiều trường hợp tái dương tính (thường là dương tính yếu) với virus SARS-CoV-2 sau khi đã được chữa khỏi, xuất viện. Trên thế giới đã có báo cáo về khả năng tái nhiễm virus SARS-CoV-2 ở 3 trường hợp bệnh nhân xét nghiệm dương tính sau 4-6 tháng xuất viện và cần được tiếp tục theo dõi để xác nhận vấn đề này.

Tuy nhiên, hiện chưa có bằng chứng về khả năng lây nhiễm của các trường hợp tái dương tính ở mẫu ngoáy họng sau hồi phục, chưa phân lập được virus sống trong mẫu, cho dù lúc đầu bệnh nhân nhiễm các chủng có khả năng lây lan mạnh. Đồng thời, tất cả các trường hợp tiếp túc và tiếp xúc gần với ca tái dương tính đều có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2; chưa ghi nhận trường hợp nhiễm thứ phát sau tái dương tính.

Cũng theo PGS.TS Phan Trọng Lân, các khảo sát tại Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh khi tiến hành xét nghiệm phân lập virus cũng cho thấy những mẫu bệnh phẩm dương tính yếu đều không ghi nhận có virus sống sau khi nuôi cấy, nghĩa là không lây nhiễm hoặc khả năng lây nhiễm rất thấp. Điều này có ý nghĩa trong việc điều tra dịch tễ, truy vết, khoanh vùng xử lý kịp thời.

Trong trường hợp cần thiết, các xét nghiệm phân lập virus, giải trình tự toàn bộ gen, xét nghiệm huyết thanh học và miễn dịch học nên được xem xét chỉ định thực hiện để hỗ trợ cho việc biện luận kết quả, đánh giá diễn tiến bệnh để có thể kết luận và đáp ứng kịp thời.

Theo đó, đến nay, sự hiểu biết về COVID-19 của giới chuyên môn vẫn chưa đầy đủ, nhất là liên quan đến đột biến gen của virus. Vì vậy, để đảm bảo hạn chế, loại bỏ mầm bệnh trong cộng đồng, trong giai đoạn hiện nay, đối với mỗi trường hợp tái dương tính đều cần phải xử lý như 1 ca bệnh dương tính.

Hiện nay Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo các cơ sở điều trị COVID-19 chỉ công bố khỏi bệnh khi bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính ít nhất 3 lần. Đồng thời, các cơ sở y tế phải tiếp tục theo dõi sức khoẻ bệnh nhân trong một thời gian. Khi về nhà, bệnh nhân cũng cần theo dõi thêm 14 ngày để đảm bảo an toàn với cộng đồng.

TN/Báo Tin tức
Bệnh nhân COVID-19 có quá trình điều trị khó khăn nhất tại Ninh Bình được chữa khỏi
Bệnh nhân COVID-19 có quá trình điều trị khó khăn nhất tại Ninh Bình được chữa khỏi

Ngày 28/8, tại Phòng khám Đa khoa khu vực Cầu Yên, Trung tâm Y tế huyện Hoa Lư (Ninh Bình) đã công bố bệnh nhân mắc COVID-19 được chữa khỏi và trao giấy ra viện cho bệnh nhân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN