Khoảng 600 đại biểu, trong đó có 10 chuyên gia, giảng viên quốc tế đến từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore, Cuba tham gia báo cáo, chia sẻ kinh nghiệm về điều trị ung thư tại Hội nghị.
Hội nghị phòng, chống ung thư thường niên Huế là một trong những Hội nghị chuyên ngành quan trọng thuộc chương trình hoạt động hàng năm của Hội Ung thư Việt Nam.
Đặc biệt, Hội nghị lần này đánh dấu 10 năm tổ chức, được đánh giá cao về tính chuyên nghiệp và chất lượng khoa học. Đây là nơi gặp gỡ, trao đổi chuyên môn của chuyên gia giàu kinh nghiệm trong nước và quốc tế; đồng thời giới thiệu các tiến bộ mới nhất trong điều trị ung thư tại Việt Nam.
Ban Tổ chức đã nhận được hơn 150 báo cáo khoa học. Trong đó, 120 báo cáo trình bày tại Hội nghị, đăng online và 21 bài báo khoa học đạt chất lượng được chọn in trong Tạp chí Y học Lâm sàng Bệnh viện Trung ương Huế.
Một số báo cáo chất lượng, đáng chú ý như, "Kéo di truyền CRISPR/Cas9 và quyền năng Viết lại Mã Sự Sống" của nhóm tác giả Nguyễn Chấn Hùng, Phạm Như Hiệp, Phạm Xuân Dũng và Đặng Huy Quốc Thịnh; "Điều trị bộ đội Pertuzumab-Trastuzumab tân hỗ trợ trong ung thư vú trong giai đoạn sớm HER2+" của Thạc sỹ, bác sỹ Phan Thị Hồng Đức (Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh); "Evidence-based Mental Health Interventions for Cancer Patients" (tạm dịch: Các can thiệp về sức khỏe tâm thần dựa trên bằng chứng của bệnh nhân ung thư) của Tiến sỹ Lê Phương Thảo (Trường Y tế Cộng đồng toàn cầu Newyork, Hoa Kỳ)…
Ngoài phiên toàn thể, Hội nghị còn có các phiên chuyên đề báo cáo về tình hình bệnh nhân ung thư cũng như cập nhật tiến bộ kỹ thuật trong điều trị ung thư đầu - cổ, phổi, hệ tạo máu, u đặc trẻ em, u nguyên bào thần kinh, u lympho…
Năm 2020, tình hình mắc và tử vong do ung thư trên toàn thế giới có xu hướng tăng. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2021 là năm cả thế giới đã vượt qua ngưỡng mới nghiêm trọng hơn khi ước tính có khoảng 20 triệu người được chẩn đoán mắc ung thư, 10 triệu người tử vong do ung thư.
Đại dịch COVID-19 tác động xấu tới việc chăm sóc và điều trị bệnh nhân ung thư. Khảo sát của WHO trên nhiều nước cho thấy, 77,5% bệnh nhân ung thư bị gián đoạn hoặc chậm trễ điều trị trong thời gian dịch bệnh. Việc gián đoạn này trải dài từ giai đoạn chẩn đoán, điều trị đến tái khám và ảnh hưởng tới tất cả các phương pháp điều trị như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, chăm sóc giảm nhẹ...
Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc mới đã tăng lên 9 bậc (xếp thứ 90/185 quốc gia) và tỷ lệ tử vong do ung thư tăng 6 bậc (xếp thứ 50/185 quốc gia) so với năm 2018. Ước tính có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư. Cứ 100.000 người có 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư.
Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, số liệu thống kê cho thấy, số lượt bệnh nhân ung thư vào điều trị tại Trung tâm Ung bướu của đơn vị tăng qua từng năm, mức tăng từ 30 - 45%. Từ giữa năm 2021, sau khi đại dịch COVID-19 vừa tạm lắng, số bệnh nhân nhập viện tăng trở lại. Các loại ung thư thường gặp nhất là ung thư phổi, gan, đại trực tràng, vú, thực quản, dạ dày, ung thư đầu - cổ.
Dịp này, thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế Phạm Như Hiệp trao tặng Kỷ niệm chương "Vì sức khỏe nhân dân" cho bà Wakako Niikura, Chủ tịch Tổ chức Juridical Foundation Niikurakai, Nhật Bản.
Trước đó, ngày 25/8, trong khuôn khổ Hội nghị, Ban tổ chức đã tổ chức tập huấn điều trị đa chuyên khoa những tiến bộ mới trong chẩn đoán và điều trị ung thư gan, ung thư vú - phụ khoa, ung thư phổi…; chia sẻ kinh nghiệm về các dự án hợp tác phát triển ung thư Nhi và chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư.