Những biểu hiện của bệnh
Nếu có các dấu hiệu: sốt cao và kèm theo những rối loạn ở hệ thống thần kinh trung ương như co giật, rối loạn vận động, lơ mơ, hôn mê … phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Bệnh viêm não Nhật Bản lây theo đường máu, do muỗi Culex tritaeniorhynchus hút máu động vật nhiễm vi rút một số loài chim, gia súc, đặc biệt là lợn nhà rồi đốt người, qua đó truyền vi rút cho người. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi.
Sau thời gian ủ bệnh từ 5 đến 15 ngày, bệnh sẽ xuất hiện theo 3 giai đoạn. Ở giai đoạn khởi phát, từ 1 đến 6 ngày, bệnh nhân có sốt, thường kèm theo ớn lạnh, mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn và nôn. Giai đoạn toàn phát, bệnh nhân tiếp tục sốt cao 38°C - 40°C, có biểu hiện của viêm màng não (đau đầu, cứng gáy, nôn và buồn nôn, táo bón), biểu hiện rối loạn ý thức (kích thích vật vã hoặc li bì, u ám, có thể đi vào hôn mê), biểu hiện tổn thương thần kinh trung ương khu trú (co giật, run giật tự nhiên ở ngón tay, lưỡi, mi mắt hoặc toàn thân, liệt cứng) kèm theo rối loạn thần kinh thực vật.
Tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản và diệt muỗi là 2 biện pháp dự phòng chủ động hiệu quả và khả thi nhất. |
Ở giai đoạn phục hồi, nếu qua khỏi, bệnh nhân có thể hồi phục hoàn toàn. Một số trường hợp nặng có thể để lại di chứng liệt cứng ở chi trên hoặc chi dưới, liệt mặt hoặc di chứng rối loạn tinh thần, mất ổn định về tình cảm, thay đổi cá tính, chậm phát triển trí tuệ. Thống kê cho thấy, 60% trẻ mắc viêm não Nhật Bản sẽ hồi phục, 30% sẽ có di chứng và khoảng 10% có thể tử vong.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm thần kinh bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP Hồ Chí Minh), bệnh viêm não Nhật Bản để lại hệ lụy khá nặng nề khi có quá nhiều di chứng, như lệ thuộc thở máy kéo dài dẫn đến bội nhiễm phổi và sẽ tử vong, hết bệnh nhưng phải sống đời sống thực vật, chậm phát triển trí tuệ, động kinh, yếu chi… Việc chăm sóc trong và sau quá trình điều trị cũng là vấn đề khi một số trẻ không thể tự ăn uống, đi lại, không tự phục vụ được sinh hoạt cá nhân.
Phòng ngừa bằng cách nào?
Theo Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2017, cả nước ghi nhận 62 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản, trong đó có 1 trường hợp tử vong tại tỉnh Sơn La. Số mắc rải rác, chủ yếu tại các tỉnh khu vực miền Bắc, miền Nam. Mặc dù so với cùng kỳ năm 2016, số mắc viêm não Nhật Bản cả nước trong 6 tháng đầu năm 2017 giảm 11,4%, tuy nhiên hiện nay đang vào mùa dịch nên người dân cần chủ động phòng chống.
Theo các bác sĩ, bệnh viêm não Nhật Bản cho tới nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản và diệt muỗi là 2 biện pháp dự phòng chủ động hiệu quả và khả thi nhất. Tuy nhiên, trẻ cần phải chích ngừa đủ tối thiểu 3 mũi vắc xin.
Theo đó, bệnh viêm não Nhật Bản, hiện đã được đưa vào tiêm chủng thường xuyên hàng tháng trong chương trình tiêm chủng mở rộng, được tiêm miễn phí cho trẻ 1- 5 tuổi. Đặc biệt, trong năm 2017, Bộ Y tế đã phê duyệt kế hoạch tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin phòng viêm não Nhật Bản bổ sung cho đối tượng trẻ từ 6-15 tuổi tại 16 tỉnh, thành phố hiện đang lưu hành dịch bệnh viêm não Nhật Bản, có nguy cơ bùng phát dịch cao nhằm giảm đến mức thấp nhất số mắc và tử vong các trường hợp viêm não Nhật Bản.
Muỗi vừa là ổ chứa, vừa là môi giới truyền vi rút sang người và muỗi truyền viêm não Nhật Bản. Để phòng bệnh, người dân phải thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, diệt muỗi tại các chuồng trại gia súc, loại bỏ các ổ bọ gậy; nằm màn kể cả ban ngày và ban đêm, thường xuyên sử dụng biện pháp xua diệt muỗi; không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc; hạn chế tiếp xúc với người bệnh và đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh.