Chị đọc thông tin trên báo về dịch bạch hầu nên khá lo lắng, hai mẹ con quyết định đi tiêm vaccine. Tuy nhiên, sau khi thăm khám, chỉ có chị Trúc được chỉ định tiêm, còn con gái (sinh năm 2015) thì không cần tiêm vì vaccine con đã tiêm vẫn còn hiệu lực.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, Bác sĩ chuyên khoa I Huỳnh Thanh Triều, phụ trách Phòng khám đa khoa - chuyên khoa, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Cần Thơ khẳng định: Ngành y tế thành phố cam kết cung ứng đủ vaccine ngừa bệnh bạch hầu, chủ động phòng, chống và không để bệnh lây lan hoặc có trường hợp tử vong. Do đó người dân không nên quá lo lắng.
Bác sĩ Huỳnh Thanh Triều cho biết, cùng kỳ năm 2023, mỗi ngày Trung tâm kiểm soát bệnh tật Cần Thơ chỉ ghi nhận từ 1 - 2 người tới tiêm vaccine ngừa bệnh bạch hầu. Còn năm nay, mỗi ngày có hơn 100 người đến tiêm do diễn biến bệnh bạch hầu gần đây phức tạp (khởi phát từ tỉnh Nghệ An). Điều này cho thấy, nhận thức của người dân về phòng, chống dịch bệnh được nâng cao; truyền thông hiệu quả. Tuy vậy, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần bình tĩnh, tìm hiểu kỹ để biết bản thân thuộc nhóm đối tượng nào trước khi đi tiêm vaccine.
Bởi, trẻ em hầu hết đã được tiêm mũi 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 theo Chương trình tiêm chủng Quốc gia, trong đó đã bao gồm bệnh bạch hầu. Do đó, các bé không cần thiết phải tiêm riêng mũi bạch hầu, hoặc nếu cha mẹ muốn tiêm tiếp thì phải có chỉ định của bác sĩ. Người lớn cũng sẽ tiêm nhắc lại theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, với người lớn, đặc biệt những người có bệnh nền, cơ địa suy giảm miễn dịch thì nên tiêm tất cả vaccine chứ không riêng bạch hầu. Tiêm chủng đầy đủ sẽ giúp nhóm đối tượng này phòng, chống bệnh truyền nhiễm nguy hiểm một cách tốt nhất.
Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Triều, ngành y tế thành phố đã và đang chủ động tăng cường giám sát, duy trì đội phản ứng nhanh chống dịch, bảo đảm sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra. Ngành chức năng Cần Thơ tiếp tục rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vaccine phòng bệnh bạch hầu ở tất cả các xã,phường và tổ chức tiêm bổ sung, tiêm vét, nhất là ở những nơi lưu hành bệnh bạch hầu và có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Sở Y tế thành phố Cần Thơ đã có công văn chỉ đạo gửi Trung tâm kiểm soát bệnh tật, trung tâm y tế 9 quận, huyện, các phòng khám, bệnh viện,… chủ động cơ số thuốc, công tác phòng, chống bệnh bạch hầu và thực hiện giám sát, điều trị nhanh chóng.
Những năm gần đây, thành phố Cần Thơ không ghi nhận ca mắc bạch hầu và ca tử vong. Trong chương trình tiêm chủng mở rộng, thành phố thực hiện và đạt tỷ lệ miễn dịch cộng đồng hơn 95%.