Từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận một số ca bệnh bạch hầu, trong đó 1 bệnh nhân đã tử vong. Tại Ninh Bình hiện chưa ghi nhận ca bệnh bạch hầu và chưa có trường hợp nào liên quan đến bệnh bạch hầu. Tuy nhiên, tình hình bệnh đang diễn biến phức tạp tại một số địa phương, Ninh Bình lại có lưu lượng khách du lịch cao nên tỉnh đã chủ động phòng, chống. Ngành Y tế địa phương đã triển khai các biện pháp phòng, chống, ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh xâm nhập.
Nho Quan là huyện miền núi có địa bàn rộng, giáp ranh Hòa Bình và Thanh Hóa, lại có nhiều đường mòn, lối mở qua lại nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ xâm nhập, lây lan tác nhân gây bệnh bạch hầu. Do vậy, Trung tâm Y tế huyện Nho Quan đã tích cực tuyên truyền để nhân dân hiểu được mức độ nguy hiểm của bệnh, khuyến cáo khi phát hiện dấu hiệu nghi nhiễm cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Đồng thời, Trung tâm cũng đã chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị nhằm sẵn sàng ứng phó khi có dịch xảy ra.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nho Quan cho biết, bệnh bạch hầu nếu phát hiện sớm thì bệnh nhân hoàn toàn được điều trị khỏi. Do đó, việc phát hiện sớm và xử lý đúng cách có vai trò rất quan trọng trong việc điều trị cho bệnh nhân.
Cho đến nay, Ninh Bình chưa phát hiện trường hợp mắc bạch hầu. Tuy nhiên, Ninh Bình có lưu lượng khách du lịch cao. Mặt khác, từ năm 2022, việc gián đoạn cung ứng một số loại vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng trong đó có vaccine phòng bạch hầu dẫn đến các người dân không được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch theo khuyến cáo, không đảm bảo tỷ lệ bao phủ. Cùng với việc kết hợp với chu kỳ phát triển của dịch bệnh nên nguy cơ bùng phát các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bạch hầu có thể xảy ra nếu không thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống.
Trước tình hình đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tăng cường hơn nữa việc giám sát dựa vào sự kiện, chủ động tại cộng đồng, trường học và các cơ sở y tế nhằm phát hiện sớm ca nghi mắc bạch hầu. Đồng thời tăng cường truyền thông về nguyên nhân, triệu chứng, đường lây cũng như các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu cho cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ sở giáo dục; lợi ích, tác dụng của vaccine, nâng cao sự tin tưởng của cộng đồng, vận động người dân chủ động tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Ngành Y tế rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vaccine phòng bệnh bạch hầu trong cộng đồng để tiêm bổ sung, tiêm vét, nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng tham mưu Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị điều trị chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly, buồng bệnh cách ly, cơ số thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư, phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khử khuẩn để thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân theo đúng phác đồ của Bộ Y tế, đáp ứng các tình huống dịch bệnh xảy ra. Cùng với đó là thực hiện tốt việc kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế; kiện toàn các đội đáp ứng nhanh, cấp cứu lưu động, sẵn sàng hỗ trợ cho tuyến dưới khi cần thiết.
Chủ động tiêm vaccine là công cụ hữu hiệu nhất để phòng, chống các bệnh truyền nhiễm. Thời gian qua, do tình trạng gián đoạn cung ứng vaccine phòng bệnh bạch hầu đã dẫn đến khoảng trống miễn dịch trong nhóm trẻ chưa được tiêm phòng hoặc chưa tiêm đủ mũi, do vậy cần tiêm bù, tiêm vét ngay khi vaccine được phân bổ.
Bác sĩ Nguyễn Mai Thanh, Trưởng Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình khuyến cáo, cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh bạch hầu ở trẻ sơ sinh, trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn là tiêm vaccine. Để phòng bệnh, người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng… Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, người dân cần được cách ly, đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Người dân đi/đến/ở trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc kháng sinh dự phòng, cách ly và tiêm vaccine phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế…