Đoàn đã đến kiểm tra một số đơn vị, doanh nghiệp nước ngoài quy mô lớn, có đông nhân công. Trên cơ sở đó, đoàn đề xuất một số nội dung Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Cần Thơ cần triển khai ngay, như: Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiểm tra giám sát theo phân cấp, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp...
Tại Công ty may mặc Kwong Lung Meko, đoàn công tác lưu ý, đơn vị có lượng công nhân hàng ngàn người, đa số ăn trưa tại bếp ăn tập thể, do đó công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho công nhân về giữ vệ sinh cá nhân, giữ khoảng cách an toàn trong giờ ăn trưa… là rất quan trọng. Công ty cũng cần trang bị tốt hơn các đồ bảo hộ, dung dịch rửa tay, khẩu trang… cho công nhân; nhắc nhở bên thầu căng tin đầu tư hệ thống bảo quản đồ ăn, lưu trữ mẫu thực phẩm để truy xuất khi có vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm…
Tại Công ty TNHH Chăn nuôi CP Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, đoàn công tác đánh giá cao tính chủ động của Công ty trong triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn cho người lao động trước dịch COVID-19. Bên cạnh đó, các bản tin tuyên truyền được dán tại các vị trí hợp lý, đáp ứng tốt yêu cầu truyền tải thông điệp. Đoàn công tác đề nghị Công ty liên hệ và phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Cần Thơ để được hỗ trợ các phương án: phân luồng khi phát hiện người lao động có các dấu hiệu bệnh, cách ly người bệnh…
Làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Cần Thơ, ông Nguyễn Thanh Hà nhấn mạnh: Để các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp quy mô lớn và có yếu tố nước ngoài nói riêng thực hiện tốt việc phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn cho người lao động, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Cần Thơ cần lưu ý hai nhóm giải pháp chính: Giám sát và hỗ trợ.
Cụ thể, thành phố cần tăng cường giám sát theo phân cấp, phân quyền, đảm bảo các doanh nghiệp thực hiện nghiêm chỉ đạo của thành phố trong công tác phòng, chống dịch; có các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn dựa trên tình hình thực tế của mỗi doanh nghiệp; không rập khuôn theo chỉ đạo chung chung của Bộ Y tế, cũng không nên áp dụng nguyên tắc giống nhau ở mọi doanh nghiệp. Đơn cử, để đảm bảo về khoảng cách giãn cách an toàn, không thể yêu cầu doanh nghiệp tháo gỡ hệ thống máy móc vốn đã được lắp đặt kiên cố, thay vào đó cần linh động giãn cách, bố trí lại vị trí ngồi của người lao động…
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hà nhấn mạnh, thực hiện tốt hai nhóm giải pháp này, song song với phối hợp chặt chẽ cùng các đơn vị truyền thông, hệ thống Công đoàn các cấp đẩy mạnh tuyên truyền để người lao động và người sử dụng lao động đều ý thức cao nhiệm vụ bảo vệ an toàn sức khỏe cho bản thân và cộng đồng, đó là phương cách bền vững và hiệu quả nhất để chúng ta chung tay vượt qua dịch COVID-19.