Ngày 7/4, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) cho biết, các bác sỹ bệnh viện đã phẫu thuật ghép thận thành công cho bé trai T. V. M. (9 tuổi, ngụ Bình Thuận) từ quả thận của người bố.
Khi thấy cậu con trai đi học về hay than mệt, ăn uống kém, khó ngủ về đêm, da xanh xao, mẹ của bé M. đã đưa bé đi khám tại một bệnh viện dưới tỉnh và các bác sĩ cho biết, cậu con trai thứ 2 của chị bị suy thận mạn tính, phải chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 2 để điều trị. Từ khi phát hiện bị bệnh, bé M. phải nghỉ học để điều trị.
“Khi biết con bị suy thận giai đoạn cuối, lúc đó mọi thứ xung quanh tôi như sụp đổ và nghĩ rằng con mình không còn con đường nào cứu chữa. Nhưng rồi, bác sĩ cho biết nếu được ghép thận con tôi có thể sống, hai vợ chồng tôi quyết định hiến thận cho con với mong muốn con có thể sống thêm một lần nữa, còn chuyện sau này mình có khổ hay nghèo thì cũng tính sau”, chị Hồng Lên, mẹ bé M. chia sẻ.
Theo đó, quả thận của người bố đã được chọn để ghép cho cậu con trai. Ngày 23/3, Bệnh viện Nhi đồng 2 cùng với Bệnh viện Chợ Rẫy tiến hành phẫu thuật ghép thận cho bệnh nhi M. Do được thăm khám và hội chẩn nhiều lần, các bác sĩ phát hiện tĩnh mạch chậu ngoài của bệnh nhi bị teo hẹp từ trước mổ. Do đó, ê kip mổ phải khéo léo di chuyển miếng nối tĩnh mạch lên tĩnh mạch chậu bụng và đã thành công trong phẫu thuật nối ghép.
Các bác sĩ cho biết thêm, một tiếng sau phẫu thuật, thận ghép bắt đầu hoạt động và có nước tiểu. Sau một ngày, các bác sĩ rút nội khí quản, ống dẫn lưu và thông niệu đạo, bé ăn uống tốt và bắt đầu uống thuốc ức chế miễn dịch. Dự kiến 6 tháng sau, bé có thể đi học trở lại. Bố của bé M. cũng đã hồi phục sức khỏe tốt sau khi hiến thận, hiện đã được xuất viện và chức năng thận đã được hồi phục.
TS. BS Phạm Ngọc Thạch, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, đây là ca ghép thận lần thứ 19 được thực hiện thành công tại bệnh viện. Điểm đặc biệt ở ca ghép thận này so với các ca trước đó là sự chênh lệch giữa khối lượng, trọng lượng thận của người cho và người nhận rất lớn. Bệnh nhi M. chỉ cao hơn 1m, trong khi đó quả thận của người cho to gấp 1,5 lần và việc đưa một khối thận lớn vào bụng bệnh nhân nhỏ tuổi cũng không hề dễ dàng.
“Nếu như những ca ghép thận trước thời gian thực hiện phải mất 8 -10 tiếng thì ở ca này diễn ra rất nhanh, chỉ hơn 4 tiếng và bệnh nhi cũng không cần phải truyền máu trong lúc mổ”, TS. BS Phạm Ngọc Thạch cho biết thêm.
Theo các chuyên gia y tế, ghép thận đồng loại, đặc biệt ghép thận cho trẻ em có ý nghĩa rất lớn vì trẻ em cần nhiều thời gian để sử dụng thận ghép. Ghép thận giúp trẻ trở về cuộc sống gần như bình thường so với các phương pháp điều trị thay thế khác như lọc máu...