Mang bình oxy vào giải cứu đội bóng nhí Thái Lan mắc kẹt trong hang động. Ảnh: AFP/TTXVN |
Sau sự việc đội bóng nhí Thái Lan bị mắc kẹt trong hang tối suốt 2 tuần liền, nhiều người lo ngại sau khi được cứu, các em dễ bị chấn thương tâm lý, rối loạn giấc ngủ… Thực tế khi trải qua những tai nạn hi hữu như thế này, việc ảnh hưởng đến tinh thần là điều không thể tránh khỏi.
Về vấn đề hậu quả đối với tâm lý của những tai nạn hi hữu như bị mắc kẹt ở nơi cô lập với thế giới bên ngoài, Ths.Bs Lê Công Thiện, Phó trưởng Bộ môn tâm thần, Đại học Y Hà Nội cho biết: “Tùy thuộc và tính cách của người bị nạn và sự trải nghiệm của bản thân họ trước đó mà những tai nạn kiểu này sẽ có tác động nhất định tới tâm lý. Tuy nhiên, về cơ bản những trường hợp này sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe tâm thần, nhất là với trẻ em”.
Theo BS. Thiện, những trường hợp tai nạn như mắc kẹt trong hang là một tai nạn có liên quan đến tính mạng con người; trong trạng thái gặp nguy hiểm, bị kẹt lâu ngày, bị đói, thiếu oxy, không gian tối tăm, cô lập… rất dễ đến tâm lý hoảng loạn, lo sợ, tuyệt vọng ngay lúc đó. Đây là một dạng stress mạnh, dễ gây sang chấn tâm lý, để lại những dấu ấn lâu dài về sau này. Thậm chí, những trường hợp dễ gặp trong đời sống như bị kẹt trong thang máy nhiều tiếng đồng hồ cũng đã có thể khiến người ta sợ hãi, với những cảm xúc tiêu cực rất mạnh mẽ. Đặc biệt, vấn đề stress sau sang chấn tâm lý, nhất là ở trẻ em còn có thể dẫn tới các rối loạn tâm trạng, lo âu, rối loạn giấc ngủ.
Theo các chuyên gia, rối loạn stresssau sang chấn có thể xuất hiện từ vài tuần đến vài tháng, tối đa là dưới 6 tháng sau stress. Những biểu hiện này có thể tiến triển thuận lợi, khỏi bệnh nhưng cũng có thể bị nặng hơn; thậm chí một số ít có thể kéo dài và gây ra biến đổi nhân cách.
Các triệu chứng lâm sàng của rối loạn stress phát triển có liên quan với yếu tố chấn thương tâm lý quá mạnh thường là: Xuất hiện các “ mảng hồi tưởng”, nhớ lại miễn cưỡng hoàn cảnh sang chấn lặp đi lặp lại, có các giấc mơ thức hoặc giấc mơ ngủ, xa lánh mọi người, mất thích thú, né tránh hoàn cảnh gợi lại chấn thương, thờ ơ với môi trường xung quanh, trầm cảm và lo âu kết hợp.… Đôi khi có thể có những cơn hoảng sợ hoặc tấn công do đột ngột nhớ lại hoặc diễn tả lại hoàn cảnh sang chấn.
Cũng theo BS. Thiện, những trường hợp sang chấn tâm lý do vừa trải qua những hoảng loạn nghiêm trọng, rất cần sự trợ giúp điều trị về tâm lý. Nếu xuất hiện các triệu chứng rối loạn tâm thần sau sang chấn có thể điều trị các triệu chứng tùy từng trường hợp khác nhau.
Theo đó các biện pháp trợ giúp thường là cô lập sang chấn bằng cách ngăn chặn các tình huống có thể khiến người bệnh dễ hồi tưởng đến sang chấn, sử dụng các biện pháp tâm lý nhằm tái tạo niềm tin cho người bệnh. Với những trường hợp có biểu hiện triệu chứng cụ thể có thể dùng thuốc chống lo âu và điều trị rối loạn giấc ngủ… Ngoài ra có thể dùng thêm các thuốc tăng cường thể trạng, nâng cao sức đề kháng. Trong một số trường hợp có thể kết hợp các thuốc chống trầm cảm.