Bệnh viện Ung Bướu TP Hồ Chí Minh đổi phác đồ điều trị vì thiếu thuốc

Một số thuốc điều trị ung thư hiếm không có nguồn cung sẵn trên thị trường dù hàng năm được Bệnh viện Ung Bướu TP Hồ Chí Minh dự trù cho công ty nhập khẩu nhưng việc cung ứng thuốc không đủ buộc các bác sĩ phải chuyển phác đồ điều trị thay thế khác.

Bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP Hồ Chí Minh cho biết như thế tại buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh về cơ chế tự chủ và đấu thầu mua sắm thuốc diễn ra vào chiều 6/10.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Ung Bướu TP Hồ Chí Minh cơ sở 2

Đại diện Bệnh viện Ung Bướu TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện số bệnh nhân đến khám đã tăng trở lại, khoảng hơn 3.700 lượt mỗi ngày, tăng gần 2% so với trước khi có dịch COVID-19. Số bệnh nhân nhập viện cũng tăng; các hoạt động phẫu thuật, hóa trị, xạ trị trở lại bình thường và tăng nhẹ so với trước dịch, do đó việc thiếu thuốc đã ảnh hưởng lớn đến công tác điều trị bệnh nhân.

Theo bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh, phần lớn thuốc dùng chuyên khoa ung bướu là các thuốc nhập khẩu, rất ít thuốc được sản xuất trong nước. Tình trạng cung ứng thuốc về Việt Nam gặp những khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng thuốc trên toàn cầu, việc dự trữ thuốc tồn kho bị giảm, dẫn đến nguy cơ thiếu thuốc có thể xảy ra ở một số thời điểm.

“Một số thuốc điều trị ung thư hiếm như Vinblastin, Dactinomycin… không có nguồn cung sẵn trên thị trường. Bệnh viện phải gửi dự trù hàng năm cho công ty nhập khẩu, tuy nhiên vẫn thường xuyên không có thuốc cung ứng nên Bệnh viện phải chuyển phác đồ khác để thay thế khác”, bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh nói.

Để hạn chế thiếu thuốc, Bệnh viện Ung Bướu TP Hồ Chí Minh đã tổ chức đấu thầu một số thuốc, tuy nhiên không có nhà thầu tham dự hoặc không lựa chọn được nhà thầu dẫn đến một số mặt hàng thuốc phải đấu thầu rất nhiều lần. "Một trong những yêu cầu hiện nay khi đấu thầu thuốc là tất cả các thuốc nếu đã có “visa” khi hết hạn thì phải gia hạn đăng ký thuốc. Tuy nhiên, việc gia hạn đăng ký thuốc này mất rất nhiều thời gian và nhà thầu cũng không biết chính xác được thời gian thuốc đó được gia hạn nên đã không tham gia đấu thầu hoặc đưa thuốc về với số lượng rất hạn chế", Phó Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP Hồ Chí Minh lý giải.

Bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh cũng cho biết, số lượng bệnh nhân tăng cùng với việc thay đổi mô hình bệnh tật và thay đổi về phác đồ điều trị cũng khiến cho việc dự trù, lập kế hoạch gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, Bệnh viện đã phải tốn rất nhiều thời gian tổ chức đấu thầu bổ sung để đáp ứng nhu cầu điều trị.

Không chỉ việc đấu thầu thuốc gặp khó khăn mà đấu thầu trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao cũng gặp rất nhiều khó khăn. Phó Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP Hồ Chí Minh cho biết, khó khăn trong đấu thầu thiết bị y tế hiện nay đó là hàng hóa, vật tư chưa được phân loại, phân nhóm vật tư y tế. Chẳng hạn như hóa chất thực hiện trong phòng xét nghiệm, giường bệnh, nhà thầu cho rằng không dùng trên người nên không phân làm nhóm sản phẩm vật tư y tế, không cần giấy lưu hành, kê khai giá. Tuy nhiên, khi bệnh viện mua các loại trang thiết bị này thì tiềm ẩn rủi ro rất lớn. Bởi, khi thanh, kiểm tra thì những sản phẩm này dùng trực tiếp cho con người nhưng lại không được mua theo vật tư y tế, không theo luật đấu thầu… do đó bệnh viện không dám mua.

Bên cạnh đó, việc sửa chữa, bảo trì, thay thế linh kiện và mua sắm mới thiết bị y tế cũng gặp khó khăn vì theo quy định đấu thầu thì phải có 3 bảng báo giá của ba nhà thầu khác nhau, tuy nhiên có những loại vật tư bệnh viện không thể kiếm đủ 3 bảng báo giá theo quy định, dẫn đến quy trình đấu thầu chậm trễ.

Trước những khó khăn trên, Bệnh viện Ung Bướu TP Hồ Chí Minh kiến nghị cần giảm thủ tục hành chính để việc cấp số đăng ký của thuốc, cấp giấy chứng nhận lưu hành trang thiết bị được diễn ra nhanh hơn, tạo thêm nguồn cung thuốc trên thị trường. Do thuốc được xem là hàng hóa đặc biệt nên cần xây dựng luật riêng cho đấu thầu thuốc, bởi hiện Luật Đấu thầu được xây dựng dùng chung cho tất cả các ngành. Đấu thầu tập trung để có giá thuốc thống nhất và tốt nhất cho người bệnh, thêm nữa là do cơ chế của đấu thầu tập trung là có thể luân chuyển thuốc từ bệnh viện này sang bệnh viện khác nên tránh được tình trạng thiếu thuốc do bệnh nhân tăng đột biến tại một bệnh viện.

Bên cạnh đó, thay đổi bổ sung Thông tư 14 về phân nhóm trang thiết bị để có thể chọn được các vật tư, thiết bị y tế phù hợp điều trị; đồng thời thay đổi, sửa đổi Luật Đấu thầu trong công tác xây dựng giá để công tác bảo trì, thay thế linh kiện máy móc chuyên dụng của các cơ sở khám chữa bệnh được diễn ra thuận lợi.

Kết thúc buổi làm việc, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh ghi nhận sự nỗ lực của Bệnh viện Ung Bướu TP Hồ Chí Minh trong suốt thời gian qua và chia sẻ những khó khăn bệnh viện đang gặp phải. Theo Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, những khó khăn này xuất phát từ các quy định pháp lý, chính sách và nhiều bất cập khác dù đã được phản ánh nhiều nhưng tiến độ giải quyết vẫn chậm. Theo đó, Đoàn sẽ ghi nhận các kiến nghị của bệnh viện và sẽ có phản ánh đến Chính phủ và các cơ quan chức năng để xem xét, giải quyết những khó khăn hiện nay. 

Tin, ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức
Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ tại TP Hồ Chí Minh 
Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ tại TP Hồ Chí Minh 

Dù TP Hồ Chí Minh đã phát hiện, ứng phó tốt với ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên nhưng cũng cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tiếp tục tăng cường giám sát, phát hiện ca mới ở cả khu vực cửa khẩu và trong cộng đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN