Theo bác sĩ Trần Ngọc Hải, khi thông tin bệnh nhân đã bị rò rỉ, bệnh viện đánh giá đây là sự cố về truyền thông, nếu xử lý không khéo sẽ trở thành khủng hoảng, ảnh hưởng uy tín của TP Hồ Chí Minh, ngành y tế và đặc biệt là Bệnh viện Từ Dũ. Sau khi sự việc xảy ra, bệnh viện đã tổ chức họp nội bộ để xác minh vì sao thông tin của sản phụ bị rò rỉ và tạm thời xác định được 2 nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Theo đó, đối với nguyên nhân khách quan, thông tin sản phụ có thể bị rò rỉ từ các dịch vụ tiện ích cho người bệnh được triển khai tại bệnh viện như dịch vụ nhắn tin cho người bệnh, thông báo cho người bệnh về diễn tiến trong quá trình nằm viện, điều trị đặc biệt trong lúc sinh, sau sinh, trẻ nằm cấp cứu sau sinh…
Nguyên nhân thứ 2 có thể là từ các dịch vụ thông qua tổng đài khám chữa bệnh, thay vì tới tận nơi thì đặt qua hệ thống dịch vụ đăng ký khám; nguyên nhân thứ 3 liên quan đến các giao dịch tiện ích không dùng tiền mặt qua các hệ thống ngân hàng mà bệnh viện liên kết. Tiếp nữa, các hệ thống mà bệnh viện báo cáo theo quy định lên các cơ quan chủ quan ở cấp trên theo nhiều yêu cầu tùy chương trình, có danh sách bệnh nhân và thông tin bệnh nhân.
Bên cạnh đó, nguyên nhân khách hàng bị lộ thông tin cá nhân xuất phát từ bản thân khách hàng có thể cung cấp thông tin của mình dựa trên số điện thoại cho các đơn vị cung cấp khuyến mãi, xảy ra ở ngoài hay ở trong bệnh viện, hoặc trong quá trình mua sắm cho em bé chuẩn bị chào đời, các chương trình khuyến mãi có thể yêu cầu cung cấp thông tin.
Về nguyên nhân chủ quan, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cho biết, sau khi bệnh viện họp phân tích nhiều yếu tố, nhìn nhận chìa khóa quan trọng nhất là số điện thoại được lưu trong hồ sơ bệnh án để liên hệ người bệnh, người nhà hoặc trao đổi gửi thông tin liên lạc bệnh nhân. Số điện thoại này nằm trên hồ sơ bệnh án nên dễ dàng bị tiếp cận ngay trang đầu.
"Hồ sơ bệnh án hiện được bệnh viện quản lý rất chặt theo quy chế quản lý hồ sơ bệnh án, được xếp hồ sơ mật, chỉ những người có trách nhiệm mới được tiếp cận. Cũng có thể thông tin bị mất trong quá trình di chuyển hồ sơ đi đóng mộc", bác sĩ Hải giải thích.
Ngoài ra, nguyên nhân chủ quan còn có thể ở quy trình quản lý, bảo mật, đặc biệt trong giai đoạn thí điểm hồ sơ bệnh án điện tử để triển khai chính thức trong thời gian tới. Hoặc, có thể là sự dễ dãi cung cấp thông tin của nhân viên y tế, người bệnh, nhân viên y tế đến đây làm việc, học tập...
Bác sĩ Trần Ngọc Hải cho biết, để tăng cường công tác an ninh sau phản ánh của sản phụ, ngày 23/8 bệnh viện đã tổ chức nhiều cuộc họp với các y bác sĩ và nữ hộ sinh. Bên cạnh đó, chỉ trong vòng 12 giờ bệnh viện đã cấp tốc mã hóa tất cả các số điện thoại của sản phụ trên hồ sơ bệnh án, điều đó có nghĩa là ai muốn làm tiết lộ số điện thoại cũng không được. Bệnh viện cũng tăng cường bổ sung các quy trình, phân quyền tiếp cận số liệu, ai mới được quyền tiếp cận thông tin bệnh nhân.
Song song đó, bệnh viện sẽ tăng cường nhắc nhở người nhà thân nhân khi chia sẻ thông tin ra phía ngoài phải hết sức lưu ý. Đối với các trường hợp như sinh viên đến học tập nếu chụp hình, quay phim cũng không được phép.
Trước đó nhiều sản phụ phản ánh sau khi vừa sinh tại Bệnh viện Từ Dũ xong thì nhận được các cuộc điện thoại như sinh trắc vân tay, bán tã sữa, bảo hiểm, sản phẩm mẹ và bé, spa cho mẹ và trẻ tại nhà. Trước phản ánh của người bệnh, Bệnh viện Từ Dũ khẳng định không liên kết buôn bán với các dịch vụ trên, bất kỳ cuộc gọi nào từ các đơn vị dịch vụ tự xưng là Bệnh viện Từ Dũ đều không đúng.
Đại diện bệnh viện cũng cho biết, không có dịch vụ tri ân khách hàng thực hiện sinh trắc vân tay cho bé, bởi "một số công ty giả danh bệnh viện để giới thiệu dịch vụ này". Đơn vị này khuyến cáo bệnh nhân, thân nhân đề cao cảnh giác, không cung cấp số điện thoại cho các dịch vụ mua bán tã sữa, bảo hiểm, đồ dùng sơ sinh và trẻ nhỏ...