Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bến Tre, tính từ ngày 11 - 19/9, toàn tỉnh ghi nhận 4.718 ca đau mắt đỏ ở 301 cơ sở giáo dục trên địa bàn. Trong đó, hai ngày 18 và 19/9, ghi nhận số ca đau mắt đỏ vượt ngưỡng 1.000 ca/ngày. Cụ thể, ngày 18/9, Bến Tre có 1.268 ca (tập trung nhiều tại huyện Ba Tri với 297 ca, huyện Mỏ Cày Bắc có 217 ca, huyện Châu Thành có 179 ca…); ngày 19/9 có 1.191 ca (nhiều nhất là huyện Ba Tri với 284 ca, thành phố Bến Tre là 201 ca, huyện Bình Đại là 192 ca…).
Theo bác sĩ chuyên khoa, bệnh đau mắt đỏ là tình trạng viêm kết mạc do nhiễm khuẩn virus Adeno gây ra, nếu không phòng ngừa tích cực dịch bệnh có nguy cơ gia tăng và lan rộng trong cộng đồng, đặc biệt là tại các cơ sở giáo dục, công ty, xí nghiệp.
Để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bến Tre Cao Văn Dũng đề nghị các đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền để người dân nhận biết nguyên nhân, đường lây truyền và các biện pháp phòng bệnh tại cộng đồng; thường xuyên đăng, phát các thông điệp, khuyến cáo cộng đồng trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ, nhất là tại các cơ sở giáo dục, mầm non, mẫu giáo, nhóm trẻ gia đình, cơ sở trông giữ trẻ, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Võ Văn Bé Hai, Sở đã yêu cầu các đơn vị giáo dục tăng cường tuyên truyền để cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh, học viên nhận biết nguyên nhân, đường lây truyền và các biện pháp phòng bệnh tại cộng đồng. Đồng thời, Sở yêu cầu các đơn vị cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm các khuyến cáo phòng bệnh của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; cho học sinh có triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ nghỉ học ít nhất 5 ngày kể từ ngày khởi bệnh đến hết triệu chứng lâm sàng. Mặt khác, thực hiện nghiêm việc kiểm tra tình trạng sức khỏe học sinh trước mỗi buổi học để phát hiện sớm ca bệnh; khi lớp học phát hiện ca bệnh nghi ngờ cần di chuyển các em sang khu vực riêng nhằm tránh lây nhiễm chéo, đồng thời thông báo cho Trạm Y tế để phối hợp xử lý dịch.
Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bến Tre Dương Thị Như Ngọc cũng đã yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tăng cường phát hiện sớm các ca bệnh nghi ngờ, kê đơn và hướng dẫn chăm sóc đối với các trường hợp bệnh nhẹ, điều trị ngoại trú. Bên cạnh đó, thực hiện phân luồng cách ly kịp thời các trường hợp nghi ngờ nhiễm hoặc chẩn đoán xác định nhiễm virus Adeno; Khu điều trị người nhiễm virus Adeno cần được bố trí riêng với các nhóm bệnh khác và đảm bảo thông khí tự nhiên; không di chuyển người bệnh nhiễm virus Adeno sang các phòng khác và ngược lại. Đồng thời, giữ khoảng cách giữa các giường bệnh ít nhất 1 mét và hướng dẫn người bệnh, người thân tuân thủ nguyên tắc dự phòng lây truyền qua đường "giọt bắn", "tiếp xúc",… Nhân viên y tế nên được bố trí làm việc riêng tại các khu có người bệnh nhiễm virus Adeno và hạn chế tiếp xúc với các khu vực khác; tuân thủ nguyên tắc "2K" và mang găng tay sạch khi chăm sóc, tiếp xúc người bệnh; trong trường hợp phải làm việc ở các khu vực khác thì cần sử dụng áo choàng/tạp dề khi vào khu cách ly…
Các Trung tâm Y tế huyện, thành phố dự trù đầy đủ thuốc, vật tư, sinh phẩm, hóa chất phục vụ cho chống dịch, đặc biệt là Cloramin B nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho các hoạt động phòng, chống dịch đau mắt đỏ. Mặt khác, theo dõi sát tình hình dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn và xử lý một cách triệt để các ổ dịch, đặc biệt chú trọng tại các cơ sở giáo dục và các công ty, xí nghiệp để hạn chế tối đa nguy cơ lây lan trên diện rộng.
Ngành Y tế Bến Tre khuyến cáo, để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, người dân thực hiện tốt việc rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang… Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh. Đồng thời, hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ. Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác; cần được nghỉ học/nghỉ làm việc để tránh lây nhiễm cho người xung quanh và lây lan ra cộng đồng. Khi có dấu hiệu của bệnh cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.
Trong ngày 19/9, Sở Giáo dục và Ðào tạo phối hợp với Sở Y tế tổ chức tập huấn trực tuyến về giám sát bệnh tay chân miệng và đau mắt đỏ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn.