Kể từ khi chính thức trở thành sự kiện thường niên vào năm 2001, ngày càng có nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ hưởng ứng tổ chức vào thứ Ba đầu tiên của tháng 5 hằng năm, giúp nâng cao nhận thức về căn bệnh mãn tính phổ biến nhất và không thể chữa khỏi hoàn toàn này.
“Enough Asthma Deaths” (Quá đủ những cái chết vì bệnh hen suyễn) - chủ đề Ngày thế giới phòng chống bệnh hen suyễn năm 2020 phản ánh thực trạng hen suyễn đang trở thành căn bệnh mạn tính rất đáng báo động và một trong những căn bệnh hàng đầu gây ảnh hưởng lớn tới toàn xã hội, với số ca tử vong có xu hướng tăng.
Là bệnh lý viêm mãn tính đường hô hấp thường gặp nhất, trên thế giới hiện có trên 300 triệu người bị hen suyễn. Đây cũng là bệnh mãn tính phổ biến nhất ở trẻ em. Hằng năm có khoảng 250 nghìn người tử vong do bệnh hen suyễn. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 80% số ca tử vong do hen suyễn là ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Ở các nước phương Tây, chi phí điều trị cho bệnh nhân khoảng 1.300 USD/năm, song tại các nước đang phát triển, khả năng tiếp cận đầy đủ thuốc và dịch vụ điều trị cần thiết còn hạn chế.
Những con số biết nói này cho thấy hen suyễn đang trở thành một vấn đề sức khỏe toàn cầu nghiêm trọng ảnh hưởng đến tất cả các nhóm tuổi, với tỷ lệ mắc bệnh ngày càng tăng ở nhiều nước đang phát triển, chi phí điều trị cũng tăng cao, trở thành gánh nặng cho người bệnh và cộng đồng. Tuy nhiên, kết quả điều tra mới đây cho thấy 78% số bệnh nhân mắc hen suyễn không biết hen có thể kiểm soát được; 75% không biết về các thuốc điều trị hen; 55% không biết cách ngừa cơn hen và 50% không biết nguyên nhân gây ra hen suyễn...
Một vấn đề đánh lưu tâm là tần suất bị hen suyễn ngày càng gia tăng, đặc biệt ở trẻ em, do tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu và quá trình đô thị hóa gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Các thống kê cho thấy số bệnh nhân hen suyễn tăng trung bình 50% sau một thập niên. Tình trạng ô nhiễm bụi mịn là tác nhân làm tăng gấp đôi số người mắc hen suyễn. Một thống kê cho thấy cứ 10 người mắc hen suyễn thì có 1 người ở Ấn Độ, quốc gia được đánh giá là ô nhiễm nhất thế giới hiện nay. Theo dữ liệu trong Báo cáo chất lượng không khí thế giới năm 2019 của IQAir AirVisual, 21 trong số 30 thành phố trên thế giới ô nhiễm không khí tồi tệ nhất là ở Ấn Độ, 6 thành phố trong số này nằm trong top 10 các thành phố ô nhiễm nhất thế giới.
Bên cạnh đó, hút thuốc lá, kể cả thuốc lá điện tử, cũng là nguyên nhân làm gia tăng đáng kể nguy cơ mắc hen suyễn. Đặc biệt, trẻ em thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá, tức hút thuốc lá thụ động, có nguy cơ bị hen suyễn rất cao, đồng thời đây cũng là nguyên nhân làm tăng đáng kể mức độ nghiêm trọng của bệnh cũng như tần số các cơn suyễn. Nghiên cứu của Hiệp hội Hô hấp châu Âu (ERS) cho thấy những người cha nghiện thuốc lá, ngay cả khi đã bỏ thuốc được nhiều năm, cũng có thể làm ảnh hưởng tới sức khỏe đứa con từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Trẻ em có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn cao gấp 3 lần nếu người bố thường xuyên hút thuốc trước khi thụ thai. Tương tư đối với mẹ hút thuốc. Tại Mỹ, từ 8.000 đến 26.000 trẻ em được chẩn đoán mắc bệnh hen suyễn hằng năm, và nguy cơ này cao gấp đôi ở những trẻ có mẹ hút ít nhất 10 điếu thuốc một ngày.
Ước tính tới năm 2025, trên thế giới sẽ có thêm 100 triệu người mắc căn bệnh mãn tính này. Điều đó dẫn tới chi phí cho điều trị hen suyễn ngày càng tăng, lớn hơn tổng chi phí cho điều trị bệnh lao và HIV.
Ngoài nguy cơ gây chết người, bệnh hen không kiểm soát ảnh hưởng nặng nề tới chất lượng sức khỏe và cuộc sống. Mặc dù một số quốc gia đã đạt được tiến triển nhất định trong các nỗ lực giảm số ca nhập viện và tử vong vì hen suyễn, căn bệnh này vẫn đặt ra sức ép to lớn đối với các hệ thống chăm sóc sức khỏe và xã hội do làm giảm năng suất lao động và tạo gánh nặng cho các gia đình, đặc biệt là các trường hợp hen suyễn ở trẻ em.
Ngày thế giới phòng chống bệnh hen suyễn là một sự kiện thường niên do Sáng kiến toàn cầu về bệnh hen suyễn (GINA) tổ chức với mục tiêu nâng cao nhận thức và tình trạng chăm sóc bệnh nhân hen suyễn trên toàn thế giới. Năm nay dù không thể diễn ra trọn vẹn do tác động của đại dịch COVID-19, sự kiện này vẫn là lời nhắc nhở về một căn bệnh nguy hiểm cần tới nỗ lực hơn nữa từ cộng đồng quốc tế.
Cuộc chiến phòng chống căn bệnh hen suyễn sẽ là hành trình bền bỉ bởi để ngăn chặn và giảm thiểu số ca hen suyễn, cần những giải pháp đồng bộ không chỉ về y tế mà cả về giảm ô nhiễm môi trường, hạn chế khí thải, nói không với thuốc lá…. Để thực hiện những mục tiêu này, cần sự phối hợp của cả cộng đồng quốc tế, từ soạn thảo chính sách tới triển khai hành động cụ thể. Đó sẽ là chìa khóa để thế giới kiểm soát một cách hiệu quả bệnh hen suyễn.