Ths.BS Hồ Văn Anh Dũng cho biết, qua khai thác bệnh sử, bé có tiền căn lúc sanh là 37 tuần, cân nặng lúc sinh 3400g, sanh thường. Tuy nhiên, bé rất hay ọc sữa và chướng bụng sau sinh. Mẹ bé không khám thai định kỳ tại bệnh viện, chỉ khám phòng khám tư vào những tháng cuối thai kỳ.
Tại khoa Sơ sinh Bệnh viện Nhi Đồng 2, bé ọc sữa nhiều hơn, mất nước và ghi nhận bụng chướng rất nhiều. Sau khi được các bác sĩ thăm khám, nghi ngờ khối u vùng thượng vị. Bé được chỉ định siêu âm ổ bụng với kết quả, trong bụng có khối hỗn hợp kích thước 10x6cm, bên trong có dịch không đồng nhất, trên phim Xquang bụng cho thấy những nốt vôi hoá vùng khối u.
Sau khi hội chẩn giữa các chuyên khoa liên quan, xác định khối u vùng thượng vị là nguyên nhân chính gây ra sự tắc nghẽn và các triệu chứng đường tiêu hóa, ekip đã thống nhất chỉ định phẫu thuật để giải quyết khối u tắc nghẽn này.
“Qua ghi nhận, khối u có kích thước lớn chiếm gần như trọn ổ bụng. Khối u dính vào dạ dày, một phần nằm trọn trong lòng dạ dày. Ekip phẫu thuật tiến hành cắt bỏ 1 phần dạ dày chứa u và bóc tách toàn bộ u, đưa ra ngoài cơ thể bé. Khối u nặng khoảng 1.000 gram. Sau khi lấy u ra, các bác sĩ tiến hành khâu tạo hình lại dạ dày cho bé. Sau mổ, tổng trạng bé dần cải thiện, vết mổ khô và đã bắt đầu bú sữa”, Ths.BS Hồ Văn Anh Dũng thông tin.
Theo TS.BS Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2, u quái dạ dày ở trẻ em cực kỳ hiếm gặp, đặc biệt ở trẻ sơ sinh. U quái ở trẻ em gặp nhiều nhất vùng cùng cụt 40%, kế tiếp là buồng trứng 25%, tinh hoàn 12% và não 5%; còn ở vùng tiêu hóa rất ít gặp, nhất là dạ dày.
Theo y văn, tổng cộng trên thế giới chưa tới 100 ca bệnh u quái dạ dày được ghi nhận từ trước đến nay. Hiện tại ở Việt Nam, trên y văn chưa ghi nhận trường hợp nào u quái dạ dày ở trẻ sơ sinh. U thường lành tính, tuy nhiên có thể gây ra tình trạng tắc nghẽn dạ dày, thiếu máu, vỡ dạ dày. Bệnh thường được biểu hiện bởi tình trạng trướng bụng, sờ thấy khối u ở bụng, nôn ói, thiếu máu, suy hô hấp. Bệnh có thể được phát hiện sớm nếu thai kỳ được theo dõi đầy đủ hoặc khám tổng quát, tầm soát dị tật trẻ sau sinh.
Bác sĩ khuyến cáo, khi phát hiện sớm, nhất là chẩn đoán tiền sản sẽ giúp mọi người chủ động trong công tác chuẩn bị trước mổ, tránh để tình trạng trẻ nôn ói, mất nước, nhiễm trùng, làm cho quá trình phẫu thuật khó khăn hơn, nhất là quá trình phục hồi sau phẫu thuật. Do vậy, việc khám tiền sản trong thai kỳ rất quan trọng.