Bất cập trong quản lý bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng

Tài xế xe đầu kéo Nguyễn Văn Thâu (sinh năm 1985, trú tại xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) đã gây ra vụ tai nạn giao thông vào chiều 30/12/2021 làm 2 người chết và 17 người bị thương. Thâu là bệnh nhân tâm thần được theo dõi, điều trị tại cộng đồng.

Chú thích ảnh
Công an tỉnh Bình Định cho biết, sẽ đưa tài xế Nguyễn Văn Thâu đưa đi giám định pháp y tâm thần trong thời gian sớm nhất để làm rõ vụ việc. Ảnh TTXVN phát

Vậy công tác quản lý bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng như thế nào đã để cho Thâu có thể đi học, thi sát hạch, được cấp giấy phép lái xe và trở thành một tài xế điều khiển xe hạng nặng?

Thiếu trách nhiệm phối hợp

Theo bác sĩ Nguyễn Đăng Khoa, Trưởng Trạm Y tế xã Nhơn Phúc (thị xã An Nhơn), Nguyễn Văn Thâu là bệnh nhân tâm thần được điều trị nội trú tại Bệnh viện Tâm thần Bình Định từ trước năm 2006, sau đó bệnh nhân được đưa về điều trị ngoại trú (tại nhà) từ năm 2006. Trạm Y tế xã Nhơn Phúc là nơi tiếp nhận hồ sơ bệnh án của Thâu và có trách nhiệm điều trị, phát thuốc cho bệnh nhân này hằng tháng. Qua theo dõi, bệnh của Thâu diễn biến bình thường, không có dấu hiệu chuyển nặng; Thâu nhận thuốc và uống thuốc đều đặn.

Bác sĩ Khoa cho biết, Trạm Y tế xã Nhơn Phúc chỉ thực hiện nhiệm vụ giám sát, theo dõi tình hình sức khỏe của Nguyễn Văn Thâu, cụ thể là việc cấp phát thuốc hàng tháng cho bệnh nhân, theo dõi việc dùng thuốc điều trị. Những hành vi, công việc làm ăn của bệnh nhân Thâu, Trạm Y tế xã hoàn toàn không biết và không có trách nhiệm theo dõi.

Trạm Y tế xã Nhơn Phúc cũng không nhận được thông tin nào về công việc làm ăn hay hành vi của Thâu từ cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, người dân và gia đình. Ngoài ra, các cơ sở khám sức khỏe, đơn vị sử dụng lao động, đào tạo lái xe, cấp giấy phép lái xe cho Thâu đều chưa hỏi Trạm Y tế xã về tình hình sức khỏe, bệnh tình của Thâu.

Ông Châu Văn Tuấn, Phó Giám đốc quản lý, điều hành Bệnh viện Tâm thần Bình Định xác nhận trước năm 2006, Nguyễn Văn Thâu được điều trị rối loạn tâm thần tại Bệnh viện tâm thần Bình Định. Sau thời gian điều trị, nhận thấy tình hình bệnh của Thâu giảm, bệnh không tái phát, hành vi ổn định, không còn hoang tưởng, ảo giác nên cho Thâu ra viện và điều trị tại nhà. Trạm Y tế xã Nhơn Phúc quản lý hồ sơ, cấp phát thuốc, theo dõi sức khỏe cho bệnh nhân này.

Qua trao đổi với nhiều người dân tại địa phương, Nguyễn Văn Thâu là người có nhiều hành vi bất thường, hay gây rối an ninh trật tự, có hành động hung hăng; Thâu đã từng lái xe đầu kéo về nhà. Người dân sinh sống gần nhà Thâu cũng cho biết ,Thâu bị bệnh tâm thần, đã từng đi điều trị tại bệnh viện tâm thần rồi được về điều trị tại nhà.

Như vậy, dù biết rõ bệnh tình và hành vi của Nguyễn Văn Thâu, nhất là việc đã từng lái xe đầu kéo về nhà nhưng người dân và gia đình không phản ánh với chính quyền địa phương. Lãnh đạo địa phương và cán bộ Trạm Y tế xã cũng không hay biết Thâu đang làm công việc gì. Rõ ràng, việc theo dõi, nắm bắt thông tin về Thâu tại cộng đồng đã thiếu trách nhiệm, sự quan tâm, phối hợp giữa gia đình, người dân, chính quyền địa phương và Trạm Y tế xã.

Trách nhiệm của cộng đồng

Luật sư Phạm Hoài Nam, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết, những năm gần đây, các vụ án do người bệnh tâm thần gây ra có chiều hướng gia tăng, chủ yếu liên quan đến các hành vi giết người, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản của người khác. Tuy nhiên, với quy định pháp luật hiện hành, người bệnh tâm thần chỉ bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh khi người đó thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội.

Theo Nghị định 64/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh ban hành ngày 28/7/2011, việc bắt buộc chữa bệnh cũng không áp dụng đối với bệnh nhân tâm thần; chỉ khi nào nghi ngờ người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không có năng lực trách nhiệm hình sự, Cơ quan điều tra mới trưng cầu giám định pháp y tâm thần. Nếu Hội đồng giám định pháp y tâm thần kết luận người đó mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, Cơ quan điều tra mới đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh tâm thần với người đó; trường hợp họ chưa có hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa có quy định bắt buộc chữa bệnh. Việc chữa bệnh của người đó tại cơ sở y tế đều do gia đình, người giám hộ quyết định.

Ngoài ra, các quy định hiện hành chủ yếu là chính sách mang tính phối hợp giữa cơ quan Nhà nước, cơ sở y tế, gia đình, cộng đồng để giám sát, quản lý, hỗ trợ điều trị, phục hồi, bảo trợ cho người bệnh tâm thần. Do đó, việc ngăn ngừa người bệnh tâm thần phạm tội gặp nhiều khó khăn, thiếu cơ sở pháp lý nghiêm ngặt để thực hiện. Những vụ việc gần đây cho thấy phải có các quy định về việc quản lý và bắt buộc chữa bệnh chặt chẽ hơn đối với người bệnh tâm thần.

Về trách nhiệm hình sự của người bệnh tâm thần, luật sư Phạm Hoài Nam cho biết, theo quy định tại Điều 21 Bộ luật Hình sự năm 2015, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của mình không phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, nếu kết quả giám định người này mất năng lực trách nhiệm hình sự sẽ được loại trừ trách nhiệm hình sự, không được coi là tội phạm. Tuy nhiên, cơ quan chức năng có thể áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với người này.

Trường hợp người này có tiền sử bệnh tâm thần nhưng kết luận giám định xác định được người này tại thời điểm phạm tội có đầy đủ nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình hoặc chỉ bị hạn chế khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi, vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình. Việc bị hạn chế khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi (nếu có) được xem là tình tiết giảm nhẹ.

Qua tìm hiểu, hiện nay, các cơ quan chức năng đã có nhiều văn bản hướng dẫn  quản lý, giám sát, theo dõi người bị bệnh tâm thần tại cộng đồng.

Đơn cử như, Quyết định 1929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021 - 2030 ban hành ngày 25/11/2020, đã hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương xây dựng chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng đối với người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí. Qua đó, nhằm huy động sự tham gia của xã hội, nhất là gia đình, cộng đồng để tăng cường trợ giúp về vật chất, tinh thần, chăm sóc, phục hồi chức năng cho người bệnh hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống; phát hiện, can thiệp kịp thời hành vi nguy hiểm của họ.

Tường Quân (TTXVN)
Lái xe nhận thuốc tâm thần hằng tháng vẫn có nhiều giấy phép lái xe
Lái xe nhận thuốc tâm thần hằng tháng vẫn có nhiều giấy phép lái xe

Lái xe đầu kéo Nguyễn Văn Thâu (sinh năm 1985, trú tại xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn, Bình Định) gây tai nạn liên hoàn làm 2 người chết và 17 người bị thương vào ngày 30/12/2021 có hồ sơ bệnh án tâm thần từ năm 2006 và nhận thuốc điều trị hằng tháng từ đó đến nay. Nhưng các cơ sở khám sức khỏe cho lái xe này thi nâng hạng và cấp đổi giấy phép lái xe hoàn toàn không hay biết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN