Nghiên cứu cho thấy gần 1/3 số người trưởng thành ở Australia mắc hội chứng COVID kéo dài trong hơn 4 tuần trong khi gần 5% người trưởng thành mắc các triệu chứng của COVID-19 trong 3 tháng trở lên sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính.
Nghiên cứu cũng phát hiện rằng gần 1/2 người trưởng thành ở Australia mắc COVID-19 và căn bệnh này không lây lan đồng đều trong mọi bộ phận dân chúng. Cụ thể, phụ nữ, người trẻ tuổi và những người sống trong các hộ gia đình có mức thu nhập trung bình là những đối tượng có thể dễ mắc COVID-19 nhất.
Tác giả chính của nghiên cứu, Nicholas Biddle cho biết đây là nghiên cứu tổng quát về tình hình mắc COVID-19 tại Australia kể từ đầu năm 2020 đến nay. Theo đó, 89,5% người trưởng thành mắc COVID-19 trải qua trung bình khoảng 10 triệu chứng khác nhau của COVID kéo dài, mà mệt mỏi là triệu chứng phổ biến nhất.
Khoảng 1/4 người Australia trải qua ít nhất 13 triệu chứng khác nhau của COVID kéo dài trong khi 1/4 trải qua từ 7 triệu chứng trở xuống. Chảy nước mũi, hắt hơi, đau họng, ho và đau đầu là những triệu chứng phổ biến.
Nghiên cứu cũng phát hiện rằng những người mắc nhiều triệu chứng của COVID kéo dài có khả năng bị suy giảm sức khỏe tâm thần hơn. Trong khi đó, sức khỏe tâm thần của những người mắc COVID-19 trong khoảng thời gian ngắn và mắc ít triệu chứng của COVID kéo dài không bị suy giảm so với những những người không mắc COVID-19.
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Australia từ đầu năm 2020 đến nay, số người mắc COVID-19 đã vượt hơn 10 triệu người trong tổng số khoảng 25 triệu dân của nước này.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa hội chứng COVID kéo dài là một loạt các triệu chứng trong thời gian dài mà một số người đã trải qua sau khi mắc COVID-19. Những người mắc COVID kéo dài có thể gặp các vấn đề về thể lực lẫn trí lực, với các triệu chứng xảy ra trong khoảng thời gian khác nhau, như mệt mỏi, khó thở, bất thường về tim mạch, chứng đau nửa đầu, não "sương mù", trầm cảm và lo lắng,...