Hội chứng COVID kéo dài - đại dịch 'giấu mặt' tại nhiều quốc gia

Hàng loạt bài báo và nghiên cứu được đăng tải cho thấy hội chứng COVID kéo dài (long COVID) đã trở thành một đại dịch "giấu mặt" tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Chú thích ảnh
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Học viện Y học thể chất và Phục hồi chức năng Mỹ ước tính đến ngày 4/9, quốc gia này đã ghi nhận trên 28 triệu trường hợp mắc các triệu chứng của COVID kéo dài.

Theo dữ liệu mới nhất được công bố trên trang web chính thức của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), cứ 13 người trưởng thành ở Mỹ thì có 1 người gặp phải hội chứng COVID kéo dài.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) định nghĩa hội chứng này là tình trạng xảy ra ở những người từng dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó các triệu chứng xuất hiện ngay sau khi mắc COVID-19 và kéo dài 3 tháng trở lên kể từ khi lần đầu phát bệnh.

CDC cho biết trong số những người trưởng thành từng mắc COVID-19 tại Mỹ - tương đương 40% số người trưởng thành tại quốc gia này - khoảng 19% đang chịu ảnh hưởng của các triệu chứng liên quan COVID kéo dài. 

Những người mắc COVID kéo dài có thể gặp các vấn đề về thể lực lẫn trí lực, đi kèm với các triệu chứng xảy ra trong khoảng thời gian khác nhau, như mệt mỏi, khó thở, bất thường về tim mạch, chứng đau nửa đầu, não "sương mù", trầm cảm và lo lắng,...

Chính phủ Mỹ quy định hội chứng COVID kéo dài có thể được coi là một hạn chế về khả năng, theo đó yêu cầu chủ doanh nghiệp hỗ trợ các điều kiện thích hợp cho nhân viên bị hội chứng này.

Ngày 2/9, Forbes trích dẫn một báo cáo của Viện Brookings cho biết hội chứng COVID kéo dài khiến khoảng 4 triệu người Mỹ thất nghiệp, với ước tính thiệt hại về lương tối thiểu là 170 tỷ USD/năm. Đây được coi là một tổn thất kinh tế lớn, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát leo thang và chi phí sinh hoạt tăng vọt.

Tổ chức nghiên cứu sức khỏe Kaiser Family có trụ sở tại Mỹ cho biết nhiều chuyên gia y tế ví COVID kéo dài là "đại dịch sau đại dịch COVID-19".

Các quốc gia khác như Anh, Đức, hay Australia cũng chịu sức ép liên quan việc nhiều người mắc phải hội chứng này. Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS) của Anh ngày 1/9 công bố dữ liệu ước tính đến cuối tháng 7 vừa qua, khoảng 2 triệu người - tương đương 3,1% dân số quốc gia - đang đối mặt với các triệu chứng COVID kéo dài. Theo ONS, các triệu chứng COVID kéo dài đã tác động tiêu cực đến đời sống thường nhật của 1,5 triệu người.

Theo ước tính của ONS, sau 2 năm kể từ khi đại dịch bùng phát, khoảng 540.000 người Anh vẫn đang chịu các tác động của hội chứng COVID kéo dài. 

Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach hồi tháng 7 cảnh báo hội chứng COVID kéo dài là một vấn đề xã hội lớn, đặc biệt tác động đến thị trường lao động khi nhiều người chưa thể khôi phục năng lực làm việc trước đây. 

Tại Australia, Bộ trưởng Y tế Mark Butler dự báo trong các năm tới, số người mắc hội chứng COVID kéo dài tại quốc gia này còn gia tăng, có thể lên đến 1,4 triệu người.

Hoàng Châu (TTXVN)
Giới chuyên gia cảnh báo mối đe dọa của 'Long COVID' kể cả mắc bệnh nhẹ
Giới chuyên gia cảnh báo mối đe dọa của 'Long COVID' kể cả mắc bệnh nhẹ

Các nhà nghiên cứu thuộc trung tâm y tế Cedars-Sinai ở Mỹ cho biết ngay cả việc mắc bệnh nhẹ cũng có thể để lại những di chứng kéo dài, còn được biết đến là "Long COVID".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN